Các hãng nói gì khi người dân than phiền phí ship tăng cao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến phản ánh của người dân về việc những ngày qua, tình trạng phí vận chuyển (ship) của các hãng giao hành tăng cao, trao đổi với PLO, đại diện ứng dụng Be Group cho biết hiện tại chi phí dịch vụ của Be sẽ phải cân đối giữa nhu cầu của người dùng và đảm bảo thu nhập cho tài xế.

Đồng thời công ty cũng phải trang trải các chi phí về vận hành, phát triển các tính năng sản phẩm, dịch vụ.

Đặc biệt, trong mùa dịch, bản thân các shipper gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm khi hành nghề. Bên cạnh đó, thời gian và công sức bỏ ra cũng nhiều hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như khả năng bị phơi nhiễm; shipper phải dậy từ sớm để đi xét nghiệm COVID-19, quãng đường di chuyển khó khăn do nhiều chốt chặn, kiểm soát.

Be Group khẳng định chi phí dịch vụ của Be đang cạnh tranh nhất trong các ứng dụng. Hiện công ty cũng đã trích từ ngân quỹ ra để lo một phần điều kiện mưu sinh cho tài xế và chi phí tham gia cho các hoạt động thiện nguyện phi lợi nhuận trong suốt thời gian qua.

Các hãng cho rằng phí ship phụ thuộc vào quy luật cung cầu. Ảnh: ĐÀO TRANG.

Đại diện Gojek Việt Nam cũng cho hay hiện tại các chính sách giá được điều chỉnh trên nguyên tắc cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường nhưng luôn đảm bảo tính cạnh tranh cũng như tuân thủ tất cả các quy định của các cơ quan chức năng.

Theo đó, khi nhu cầu thị trường đối với dịch vụ đột ngột tăng cao, chẳng hạn như vào các khung giờ cao điểm hay khi lượng cung tài xế thấp hơn nhu cầu dịch vụ, hệ thống Gojek sẽ tự động tính toán và áp dụng mức giá linh hoạt. Giá cước dịch vụ cuối cùng được thể hiện cụ thể trên mỗi đơn hàng để người dùng quyết định trước khi bấm nút “đặt hàng". 

Gojek cũng khẳng định trong giai đoạn giãn cách xã hội, thời gian thực hiện một đơn hàng của tài xế cũng lâu hơn gấp nhiều lần, do tài xế phải chờ đợi ở các cửa hàng, siêu thị và đi những quãng đường xa hơn (qua các chốt, các điểm phong toả, khu cách ly, v.v.) để giao hàng tới khách hàng.

"Rất mong các khách hàng thông cảm cho các đối tác tài xế của chúng tôi - họ thực sự là những người hùng trên đường phố, giúp đáp ứng nhu cầu giao và nhận hàng hoá thiết yếu của người dân. Từ đó, đảm bảo cho các chuỗi cung ứng được vận hành hiệu quả và trơn tru hơn để người dân yên tâm ở trong nhà, từ đó giúp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 được diễn ra có kiểm soát hơn"- Gojek Việt Nam chia sẻ.

Khi lượng shipper được phép hoạt động được tăng lên, tình hình lưu thông thuận lợi hơn, cung - cầu thị trường được đảm bảo, giá cước chắc chắn sẽ được duy trì ở mức ổn định. 

Tương tự, đại diện AhaMove cho biết đơn vị đang làm việc chặt chẽ với Sở Công Thương để hiểu rõ và thực hiện yêu cầu không tăng giá.

Theo AhaMove hiện tại đơn vị được mở rộng số lượng shipper tại TP.HCM bằng khoảng 80% so với trước dịch. Vì thế, vài ngày tới giá sẽ rẻ đi, tình trạng nhân giá (surge pricing) sẽ giảm bớt.

Tuy nhiên, trong vài ngày tới việc xét nghiệm vẫn còn chưa được thông suốt, một số tài xế chưa quen, chưa tìm được nơi xét nghiệm và số lượng đơn hàng giao hàng tăng đột biến nên có thể ở một vài thời điểm thì vẫn có tình trạng giá cao hơn bình thường.

Trong thời điểm này, phía AhaMove gợi ý khách hàng dùng dịch vụ siêu rẻ, với giá rẻ hơn 20% và thời gian giao trong nội thành là trong vòng 2 tiếng. "Như vậy sẽ giúp chủ cửa hàng và người mua có thể giảm được phần nào chi phí trong mùa dịch khó khăn này"- vị này chia sẻ.

Anh Lê Nghiêm một shipper chia sẻ: "Để hoàn thành một đơn hàng tôi phải mất rất nhiều thời gian đi xét nghiệm. Sau đó, shipper mới được nhận hàng và giao cho khách. Bên cạnh đó, dù đường thông thoáng nhưng shipper cũng mất nhiều thời gian giao hàng hơn vì có nhiều chốt chặn.

Tôi mong người dân thấu hiểu những nguy hiểm của nghề shipper và chấp nhận giá cước có nhỉnh hơn đôi chút trong thời điểm TP đang thực hiện giãn cách như hiện nay”- anh Nghiêm nói.

Mới đây, UBND TP.HCM có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào Kho dữ liệu dùng chung của TP, bắt đầu từ ngày 24-9.

Các doanh nghiệp quản lý shipper nhận bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại Sở Công thương. Trong thời gian này các shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị.
Kể từ ngày 24-9 đến ngày 30-9, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào Kho dữ liệu dùng chung của TP theo hướng dẫn của Sở TT&TT để phục vụ công tác phòng chống dịch.
UBND TP.HCM giao Sở Công Thương hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức và kết quả xét nghiệm. Trường hợp các shipper không đáp ứng đủ các điều kiện như trên sẽ không được tham gia hoạt động.
Trao đổi với PLO, các doanh nghiệp quản lý shipper cho biết hiện nay đơn vị mới nắm được thông tin này và lên kế hoạch thực hiện trong thời gian tới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm