Cà Mau xin ngàn tỉ để dời dân

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau mới đây đã ký báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trong những ngày đầu tháng 8. Theo đó, chỉ trong sáu ngày, từ ngày 2 đến 7-8, tỉnh Cà Mau đã bị thiệt hại về tài sản do thiên tai lên đến 32 tỉ đồng.

Trận nước dâng kỳ lạ

Anh Nguyễn Thanh Tâm ở khóm 6, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) kể lại: “Lúc đó khoảng 14 giờ ngày 3-8, chúng tôi đang ngồi nói chuyện trước nhà. Trời chỉ mưa lâm thâm bỗng bất ngờ từ ngoài cửa biển Ông Đốc nước ở đâu ùn ùn đổ vào sông, tràn lên bờ, ngập đường, ngập hết nhà cửa. Sau đó cả thị trấn bị ngập. Tôi ở đây hơn 30 năm, lầu đầu tiên chứng kiến cảnh này. Nước dâng cao hơn cả bão số 5 năm 1997”.

Cùng thời điểm trên, phía cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau nước cũng dâng ngập hết nhà của người dân ở khu vực chợ Khánh Hội. Xe cộ, nhà cửa ngập trong biển nước. Đồ điện sinh hoạt trong gia đình hư hỏng hàng loạt vì ngập nước.

Báo cáo chính thức của UBND tỉnh Cà Mau trong ngày cho biết nước dâng đã tràn qua đê biển Tây Cà Mau. Nhiều đoạn nước cao hơn đê đến 0,4 m, gây hư hại nhiều đoạn đê, sạt lở, hư hỏng nhiều vườn rau, ngập nhiều ao cá của nông dân.

Mức thiệt hại chỉ tính riêng về các nhà dân bị sập, tốc mái, hoa màu bị ngập úng trong sáu ngày qua là 32 tỉ đồng. Con số này chưa tính đến khoản chi phí hộ đê còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Từ ngày 3-8 đến nay luôn có gần 200 người túc trực 24/24 giờ để hộ đê biển Tây. Ảnh: TV

Di dời dân cần đến 1.400 tỉ đồng

Từ những đợt tấn công bất ngờ vì thiên tai, UBND tỉnh Cà Mau vừa có kiến nghị đến trung ương xin cơ chế xử lý khẩn cấp cùng kinh phí lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Kiến nghị nêu rõ: Hỗ trợ kinh phí để tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện các công trình khẩn cấp bảo vệ tuyến đê biển Tây, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Trước mắt, kiến nghị bộ, ngành trung ương hỗ trợ 73,9 tỉ đồng. Trong đó, 23,3 tỉ đồng để khắc phục ngay 2.100 m đê đang bị sạt lở rất nguy hiểm, có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào; 35,4 tỉ đồng để xử lý sớm trong mùa mưa bão năm 2019 đối với những đoạn sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến đê biển Tây; 15,2 tỉ đồng để bơm đất, tạo bãi, phục hồi đai rừng phòng hộ đoạn Kinh Mới - Đá Bạc, ngọn Tiểu Dừa với chiều dài khoảng 7.000 m.

Tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT hỗ trợ 1.400 tỉ đồng để di dời dân cư vào sinh sống ổn định ở các cụm tuyến dân cư mới giai đoạn 2016-2020, lộ trình đến năm 2025. Trước mắt, hỗ trợ 140 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện khẩn cấp dự án đầu tư hạ tầng tái định cư, di dời dân di cư tự do, dân sinh sống vùng thiên tai tỉnh Cà Mau, số lượng khoảng 646 hộ.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình thiên tai những năm gần đây, ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, nói: “Cà Mau thời gian qua rất quyết liệt chủ động phòng thiên tai bằng hệ thống kè mềm tạo bãi khôi phục đai rừng phòng hộ. Tuy nhiên, diễn biến thiên tai rất phức tạp, vượt ngoài những dự tính ban đầu. Trận nước dâng vừa qua cho thấy cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ khôi phục đai rừng phòng hộ ven biển. Việc này địa phương không đủ sức, cần sự ưu tiên nguồn vốn từ trung ương”.

Hiện Sở NN&PTNT tỉnh đã khoanh vùng đê biển đang bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn. Trong khi đó lực lượng khác đang tháo dỡ các công trình, di dời nhà cửa, hạ tải trọng trong phạm vi thiết lập; lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở; xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm, vị trí đê xung yếu để trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở tổ chức bảo vệ đê.

UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu UBND hai huyện Trần Văn Thời và U Minh vận động người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở.

Diện tích mất rừng phòng hộ xung yếu ven biển ngày càng tăng

Từ những tháng đầu năm 2017 đến nay, do ảnh hưởng của các cơn bão, cộng với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường đã gây sạt lở nhanh nhiều đoạn đê biển. Đê biển Tây có khoảng 57.000 m, đê biển Đông có khoảng 48.000 m sạt lở nghiêm trọng. Các đoạn sạt lở này ảnh hưởng trực tiếp đến 1.250 hộ dân.

Từ thực tế trên, tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét cho tỉnh thực hiện thí điểm cơ chế “giao đất đầu tư các dự án sau khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ven biển” nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực hiện một số dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ..., kết hợp xây dựng công trình kè chống sạt lở, gây bồi tạo bãi trồng rừng, lấn biển.

Ngoài ra, Cà Mau kiến nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm, kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí cho tỉnh trong đầu tư xây dựng công trình chống sạt lở khu vực ven biển. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm