Bộ Tư pháp sẽ có ý kiến vụ Bộ GTVT ‘làm khó’ phi công

Trả lời Pháp Luật TP.HCM ngày 21-9, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp, cho hay: Cục Kiểm tra văn bản đã hai lần họp với đại diện Bộ GTVT, Bộ LĐ-TB&XH để đánh giá Thông tư 21/2017 của Bộ GTVT. Văn bản này có nội dung ràng buộc nhân viên hàng không trình độ cao, trong đó có phi công, muốn đơn phương nghỉ việc phải báo trước cho người sử dụng lao động 120 ngày - dài hơn nhiều so với thời hạn 45 ngày quy định tại Bộ luật Lao động.

“Tôi đã đọc bài của báo Pháp Luật TP.HCM ngày 21-9, phỏng vấn ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH (bài ““Làm khó” phi công nghỉ việc: Bộ GTVT có trái luật?” - PV). Trong các cuộc làm việc với chúng tôi, đại diện bộ này cũng nêu quan điểm như vậy, cho rằng Thông tư 21 quy định thời hạn báo trước khi nghỉ việc dài hơn 45 ngày là trái với tinh thần Bộ luật Lao động. Còn đại diện Bộ GTVT thì cho rằng phải quy định như vậy vì đặc thù của ngành hàng không” - ông Đồng Ngọc Ba thông tin.

Giới phi công cho rằng Bộ GTVT làm khó, cản trở họ chấm dứt hợp đồng lao động. Ảnh: ZING.VN

Cũng theo ông Ba, qua nghiên cứu, trao đổi, lắng nghe ý kiến các bên thì cảm nhận của nhóm nghiên cứu Bộ Tư pháp là Thông tư 21 “có vấn đề pháp lý”. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý ấy lại phát sinh từ thực tế đặc thù của hoạt động hàng không dân dụng và ít nhiều là có cơ sở pháp lý từ Luật Hàng không dân dụng. Do đó, giải quyết kiến nghị của giới phi công, xử lý những khúc mắc, xung đột trong Thông tư 21 phải hài hòa được hai mặt pháp lý và thực tiễn. “Việc này tranh cãi từ lâu rồi. Chúng tôi sẽ sớm báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp để có ý kiến chính thức” - ông Ba nói.

Theo ông Ba, phản ứng của giới phi công cho rằng Bộ GTVT làm khó, cản trở họ chấm dứt hợp đồng lao động với các hãng hàng không dân dụng trong nước xuất hiện từ năm 2015. Đây là thời điểm hàng loạt nhân viên hàng không trình độ cao, chủ yếu là phi công chấm dứt hợp đồng với các hãng bay trong nước, nhất là Vietnam Airlines. Do hợp đồng lao động của họ với hãng không có quy định cụ thể về thời hạn báo trước nếu muốn thôi việc nên chiếu theo Bộ luật Lao động, họ chỉ cần báo trước 45 ngày là về nguyên tắc có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Vietnam Airlines đã kêu cứu lên Bộ GTVT và bộ này đã ban hành Thông tư 41/2015 sửa đổi bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng, trong đó bổ sung thời hạn báo trước 120 ngày nếu nhân viên hàng không trình độ cao muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Đến năm 2017, Bộ GTVT tiếp tục sửa đổi bộ quy chế an toàn hàng không này bằng Thông tư 21, trong đó kế thừa quy định trên của Thông tư 41.

Trước dư luận tranh cãi về hai thông tư của Bộ GTVT, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chủ động mời các cơ quan liên quan lên trao đổi, báo cáo. Các ý kiến bình luận pháp lý đều thừa nhận tính đặc thù của ngành hàng không gắn liền với nhân lực trình độ cao. “Kể ra thì các bên cụ thể hóa các yếu tố đặc thù đó trong hợp đồng lao động được là tốt nhất. Lúc đó, nếu nhân viên muốn đơn phương nghỉ việc thì cứ chiếu hợp đồng mà thực hiện, chẳng cần Bộ GTVT phải đưa các quy định ràng buộc vào thông tư làm gì nữa” - ông Đồng Ngọc Ba bình luận.

Các bộ trái nhau về quan điểm

Bộ luật Lao động quy định người lao động ký hợp đồng không thời hạn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày. Như vậy, Bộ luật Lao động chỉ quy định mức độ tối thiểu chứ không quy định mức độ tối đa. Do đó Bộ GTVT quy định nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước 120 ngày là hợp lý.

Đại điện Bộ GTVT

Trong Bộ luật Lao động không quy định tối đa nhưng không vì thế Bộ GTVT được phép đưa ra quy định đó. Cũng đừng nhầm tưởng Bộ luật Lao động quy định thiếu, chỉ có tối thiểu không có tối đa. Ban soạn thảo luật đưa ra quy định trên có thể thấy đây là điều luật tùy nghi, mục đích tạo ra khoảng trống để tiện cho người lao động lựa chọn. Nếu quy định tối đa sẽ tước quyền lựa chọn của người lao động.

Ông HÀ ĐÌNH BỐNVụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm