Bộ TT&TT muốn xem Uber, Grab, GoViet là chủ thể riêng biệt

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT vừa gửi Thủ tướng văn bản góp ý về dự thảo thay thế Nghị định 86/2014 quy định hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô dưới 9 chỗ.

Theo ông Hùng, để tạo điều kiện cho công nghệ số đem lại lợi ích mới cho xã hội, đặc biệt thúc đẩy cạnh tranh, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế, các nước như Anh, Singapore, Indonesia... đều đã nỗ lực xây dựng và cải thiện các mô hình quản lý mới. Tại Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các Bộ ngành liên quan nghiên cứu xây dựng các khuôn khổ pháp lý mới.

Quy định mới về chủ thể thứ tư

Vì vậy, ông Hùng đã đưa ra bốn đề xuất cho dự thảo thay thế Nghị định 86. Thứ nhất, cần xem những đơn vị cung cấp nền tảng (platform) như Grab, Uber, GoViet... là một chủ thể riêng biệt, ngoài những chủ thể được quy định hiện nay.

Nhiều sáng kiến đột phá nhằm giúp xe công nghệ không bị ràng buộc vào cái cũ.

Với hoạt động kinh doanh taxi truyền thống, ông cho rằng ba chủ thể có vai trò chi phối chính gồm công ty vận tải taxi, người dân và cơ quan quản lý nhà nước.

Với mô hình taxi công nghệ, xuất hiện thêm một chủ thể là đơn vị cung cấp nền tảng. Trong bốn chủ thể, công ty vận tải và đơn vị cung cấp nền tảng kết hợp cung cấp một loại dịch vụ tương đương taxi.

Công ty vận tải và đơn vị cung cấp nền tảng không tự mình thực hiện tất cả công đoạn như hoạt động của taxi truyền thống. Mỗi chủ thể chỉ cung cấp một số công đoạn.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị thêm vào điều 3 dự thảo Nghị định với nội dung: "Đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải là đơn vị kết nối giữa đơn vị vận tải và hành khách, sử dụng công nghệ số giúp hành khách có nhu cầu tìm được đơn vị vận tải có khả năng cung cấp. Tất cả giao dịch đều diễn ra trong môi trường số".

Thứ hai, người đứng đầu Bộ TT&TT đề xuất, để quản lý chủ thể cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải cần có những quy định riêng và phù hợp với chủ thể này, đảm bảo tương ứng với các công đoạn trong hoạt động kinh doanh taxi mà đơn vị này trực tiếp thực hiện.

Theo đó, ông đề nghị, bổ sung quy định quản lý với đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải như các công đoạn thông qua môi trường số để kinh doanh taxi, minh bạch về giá cước và quãng đường, cung cấp công cụ giám sát cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để kiểm tra, lưu giữ quá trình vận tải, hóa đơn điện tử để hậu kiểm, không hướng dẫn xe đi vào đường cấm…

Không cần “hộp đèn”

Thứ ba, để quản lý nhà nước với những hoạt động sử dụng công nghệ, cơ quan quản lý cần sử dụng chính công nghệ để quản lý và giám sát. Ông Hùng cho rằng thay vì yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử có “bảng đèn hiệu” hoặc biển số khác màu, cơ quan quản lý có thể yêu cầu đơn vị cung cấp nền tảng đảm bảo khả năng truy cập vào dữ liệu những xe đang tham gia mô hình.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng có thể yêu cầu đơn vị nền tảng chỉ đề xuất lộ trình cho xe hợp đồng đúng quy định về tuyến đường và thời gian vận chuyển... Tất cả lộ trình phải được lưu lại để truy xuất trong trường hợp thanh, kiểm tra. Đây là một hình thức dùng công nghệ để hậu kiểm thay vì tiền kiểm.

Cuối cùng, Bộ trưởng cho rằng thay vì giảm khả năng cạnh tranh của những mô hình taxi sử dụng công nghệ cần tăng khả năng cạnh tranh cho những mô hình taxi truyền thống.

"Việc yêu cầu gắn biển điện tử với các xe hợp đồng dưới 9 chỗ như dự thảo mới nhất sẽ làm giảm sự sẵn sàng tham gia của các đơn vị vận tải, đưa thị trường trở lại thời điểm trước khi taxi công nghệ xuất hiện….”, ông nói.

Hiện Bộ GTVT đã trình Chính phủ (lần 8) dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86. Tuy nhiên, đến nay dự thảo vẫn gặp một số ý kiến khác từ các Bộ, ngành…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm