Bộ trưởng: Hạn, mặn tại miền Tây sẽ khốc liệt

Ngày 2-1, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác của Bộ, lãnh đạo các tổng cục, cục chuyên môn của bộ này đã đến kiểm tra các công trình ngăn mặn, trữ ngọt tại tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long và Bến Tre.

Tại tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, đoàn đã đến kiểm tra tình hình thi công cống ngăn mặn, trữ ngọt Tân Dinh và Bông Bót (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh). Đây là hai cống đầu mối cuối cùng phía sông Hậu, thuộc địa bàn tỉnh Trà Vinh; cùng với cống Vũng Liêm (Vĩnh Long, phía sông Tiền).

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra thực địa một số công trình ngăn mặn tại Trà Vinh, Bến Tre và Vĩnh Long

Đây là ba cống thuộc tiểu Tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Mang Thít tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Theo báo cáo của đơn vị thi công, dự kiến sẽ hoàn thành, vận hành ba cống Vũng Liêm, Bông Bót, Tân Dinh trong trước tết âm lịch, vượt tiến độ bảy tháng so với hợp đồng được ký kết, kịp thời ngăn nước mặn vào con nước triều cường rằm tháng 12 âm lịch tới.

Công trình hoàn thành sẽ cùng với các công trình khác trong hệ thống kiểm soát mặn và triều cường, bổ sung nguồn nước ngọt, tiêu úng, cải tạo đất cho 28.459 ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long và huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn công tác đã đến Bến Tre kiểm tra các dự án thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1. Trong đó dự án đê bao sông Tiền (chiều dài 26 km); đê bao sông Hàm Luông (dài 9,6 km), cống hở hoàn thành sẽ cùng với tuyến đê biển Ba Tri, Bình Đại tạo thành hệ thống đê khép kín, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho 139.000 ha diện tích đất tự nhiên vùng Bắc Bến Tre (các huyện Bình Đại, Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri và TP Bến Tre).

Đồng thời chủ động lấy ngọt, dẫn ngọt, lấy phù sa, rửa phèn phục vụ cho 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, kiểm soát mặn cho 20.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản thuộc hai huyện Bình Đại và Ba Tri.

Đẩy nhanh thi công các công trình cống ngăn mặn kịp chống hạn mặn cho mùa khô 2019-2020

Đến cuối 2019, các hạng mục hoàn thành, đáp ứng yêu cầu chống hạn, mặn: 26 km đê sông Tiền và các cống dưới đê; 32 cống hở trên tuyến đê sông Tiền. Các công trình hoàn thành trong dự án góp phần kiểm soát mặn cho diện tích khu vực Bắc Bến Tre phần giáp sông Tiền (80.000 ha diện tích vùng dự án). Hiện tuyến đê sông Hàm Luông và 17 cống trên tuyến đê vẫn đang triển khai thi công theo hợp đồng được ký kết, chưa phục vụ công tác chống hạn mặn 2019-2020.

Đoàn cũng đã đến kiểm tra tình hình chống hạn mặn tại cống An Hiệp thuộc dự án Bắc Bến Tre.  Công trình hoàn thành kết hợp với các cống khác trong hệ thống để thực hiện nhiệm vụ chung của dự án. Về khả năng chống hạn mặn của cống An Hiệp, kiểm soát mặn cho 2.300 ha thuộc địa bàn các xã Tường Đa, Thành Triệu, An Hiệp huyện Châu Thành và phục vụ 14.000 dân. Hiện tại cống đã cơ bản hoàn thành, đã lắp đặt cửa van và vận hành chống hạn mặn 2019-2020.

Sau khi kiểm tra thực địa, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Tình hình hạn mặn tại ĐBSCL diễn ra ngày càng gay gắt và khốc liệt như mùa khô 2015-2016. Để ứng phó xâm nhập mặn, Bộ NN&PTNT đang đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào vận hành trước thời hạn nhiều công trình ngăn mặn, trữ ngọt.

Theo Bộ trưởng, Bộ NN&PTNT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình nhằm ứng phó với thực trạng trên, cùng với việc thực hiện các giải pháp công trình kiểm soát nước mặn, Bộ NN&PTNT cũng khuyến khích các địa phương tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu là một trong những giải pháp có hiệu quả rất tích cực.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao đột biến từ ngày 11 đến ngày 13-12-2019 do trong đợt triều cường ở mức cao và gió Đông Bắc cường độ mạnh (do ảnh hưởng của cơn bão số 7), ranh mặn 4 g/lít ở các cửa sông Cửu Long cao nhất đến 57 km (sông Hàm Luông), cao hơn cùng kỳ năm 2015 là 17 km. Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm