Bộ GTVT trả lời cử tri về đầu tư đường bộ, cao tốc ở ĐBSCL

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Hậu Giang về kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sớm đưa vào sử dụng.

Đồng thời, quan tâm đưa vào quy hoạch các trục đường kết nối liên tỉnh, liên vùng để thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế - xã hội vùng này.

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi chuẩn bị đưa vào khai thác. Ảnh: CHÂU ANH

Theo Bộ GTVT, tại khu vực ĐBSCL hiện đang triển khai thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 và xây dựng tuyến Lộ Tẻ  - Rạch Sỏi…

Trong đó, án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu (thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông) gồm năm gói thầu xây lắp, hiện nay đang triển khai thi công 4/5 gói thầu.

Gói thầu còn lại hiện đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định và đang đảm bảo tiến độ.

Dự kiến, dự án cơ bản hoàn thành năm 2022 và hoàn thành toàn bộ (giai đoạn 1) trong năm 2023.

Riêng dự án cao tốc Mỹ Thuận  - Cần Thơ giai đoạn 1, ngày 4-1, Bộ GTVT đã tiến hành khởi công xây dựng. Tiến độ thực hiện cơ bản hoàn thành năm 2022 và hoàn thành toàn bộ (giai đoạn 1) trong năm 2023.

“Với dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ  - Rạch Sỏi (qua địa phận TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang), đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình, dự kiến nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng trong tháng 1-2021…” - Bộ GTVT thông tin.

Về kiến nghị quy hoạch các trục đường kết nối liên tỉnh, liên vùng, Bộ GTVT cho biết hiện nay đơn vị đang triển khai lập năm quy hoạch ngành quốc gia (quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, hệ thống cảng biển…) giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2050.

Trong đó, mục tiêu chung của quy hoạch mạng lưới đường bộ là phát triển liên hoàn, đồng bộ, hiện đại và bền vững. Theo đó, hệ thông cao tốc là trục xương sống đảm bảo kết nối liên vùng, trực tiếp đến các cảng biển đặc biệt, sân bay quốc  tế, các cửa khẩu quốc  tế quan  trọng, các đô  thị đặc biệt, loại I.

Với hệ thống quốc lộ khác phải đảm bảo kết nối trực tiếp đến các cảng biển  loại I, sân bay, cảng đường  thủy nội địa quy mô khu vực, các ga đường sắt đầu mối và kết nối thuận tiện với các cảng biển loại I, II, các đầu mối giao thông đô thị, công nghiệp, du lịch cấp quốc gia.

Cạnh đó, phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ tạo sự liên hoàn với hệ thống đường địa phương, đảm bảo kết nối đến các khu vực khó khăn, đảm bảo quốc phòng an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Ngày 16-12-2020, tại Cần Thơ, Bộ GTVT tổ chức hội thảo với các tỉnh phía Nam về quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để tiếp thu ý kiến góp ý của các địa phương trong khu vực và sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các địa phương để hoàn chỉnh quy hoạch làm cơ sở trình Thủ tướng phê duyệt.

“Đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp chặt chẽ trong quá trình tham gia ý kiến đối với đồ án quy hoạch đường bộ nêu trên, cũng như các đồ án quy hoạch quốc gia các chuyên ngành về đường sắt, cảng biển, hàng không và đường thủy nội địa…” - Bộ GTVT thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm