Bộ GTVT nói về việc 'đưa vào, rút ra' cự ly đặt trạm BOT

Chiều nay (17-5), Bộ GTVT đã có cuộc họp về dự thảo sửa đổi Thông tư 49 của Bộ GTVT. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã nhấn mạnh việc “đưa vào, rút ra” quy định cự ly đặt trạm thu phí BOT là không cần thiết và gây dư luận xấu.

Theo đó, ông yêu cầu kiểm điểm các cá nhân, tổ chức trong tổ soạn thảo đã đưa quy định không phù hợp với thực tiễn này vào dự thảo thông tư, dẫn đến phải rút ra...

Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng việc đưa quy định trạm thu BOT phải cách nhau tối thiểu 70 km vào dự thảo sửa đổi Thông tư 49 (quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ) đã gây dư luận không tốt vì quy định này không cần thiết, không phù hợp với thực tiễn nữa.

Theo ông Thể, hiện Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì các trạm thu phí BOT phải đặt trên các tuyến đường xây dựng mới, người dân có sự lựa chọn đi đường BOT hoặc đi đường cũ. Theo đó, từ nay trở đi sẽ không triển khai các dự án BOT trên các tuyến đường vốn có, đường cũ được Nhà nước đầu tư. Vì vậy việc đưa ra quy định cự ly đặt trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70 km là bất hợp lý và không cần thiết.

“Trước đây, các trạm thu phí BOT đặt trên các tuyến đường cũ được nâng cấp, cải tạo nên mới có quy định về khoảng cách trạm thu phí do Bộ Tài chính quy định (tại Thông tư 159), giờ chỉ làm BOT ở đường mới thì quy định này rất bất hợp lý. Không có lý do gì mà lại đưa nội dung này vào để dư luận hiểu lầm. Ai chỉ đạo đưa nội dung này vào thì phải chịu trách nhiệm? Cục, vụ nào đưa vào, với mục đích gì, trong khi Thông tư 49 cũ không có nội dung này?” - ông Thể đặt câu hỏi.

Cuộc họp của Bộ GTVT về dự thảo sửa đổi Thông tư 49 diễn ra chiều nay (17-5).

Trả lời, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), đơn vị được giao nhiệm vụ soạn thảo dự thảo Thông tư 49 cho hay thực hiện theo nội dung văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 120 ngày 12-1-2018 (của Văn phòng Chính phủ).

Ông Thể đáp lại: “Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT hay chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ đã có chỉ đạo Tổng cục về việc này chưa? Bộ không chỉ đạo tại sao Tổng cục lại đưa nội dung khoảng cách trạm thu phí BOT vào gây dư luận xấu. Bản thân tôi là bộ trưởng nhưng không biết việc này”.

Lý giải thêm về việc này, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT), cho biết Thông tư 49 của Bộ GTVT không có nội dung quy định về khoảng cách trạm thu phí BOT. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến và theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính có quy định về việc này nên đã đưa vào dự thảo Thông tư 49.

“Bên cạnh đó, các kết luận của cơ quan kiểm toán đều yêu cầu Bộ GTVT đưa tiêu chí trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ và có nội dung về khoảng cách các trạm thu phí. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo, tổ soạn thảo đã đưa nội dung này vào. Nhưng qua xem xét ý kiến, các bộ, ngành và địa phương đã quyết định bỏ nội dung này” - ông Phạm Tuấn Anh nói.

Kết luận nội dung này, bộ trưởng GTVT cho rằng tổ soạn thảo dự thảo Thông tư 49 không hiểu bản chất sự việc, nhận nhiệm vụ nhưng chưa hiểu bản chất trong quá trình thực hiện nên đã gây ra sai sót không đáng có, gây phản ứng xấu trong dư luận. Đặc biệt, không giải thích với dư luận, vì sao dự thảo lần một đưa vào quy định về cự ly trạm thu phí BOT nhưng dự thảo lần hai lại bỏ ra, chứng tỏ sự hạn chế về năng lực nên không dám cung cấp thông tin đầy đủ cho dư luận.

“Tổ soạn thảo đã máy móc thực hiện các chỉ đạo của cấp trên mà không xem xét tình hình thực tế. Tôi yêu cầu Tổng cục Đường bộ họp, kiểm điểm tổ soạn thảo này, do vô tình không hiểu đưa vào hay cố tình tạo dư luận về việc này, xem rõ trách nhiệm để xử lý nội bộ” - ông Thể nhấn mạnh.

BOT phải đặt trên đường mới

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định từ nay trở đi chỉ triển khai dự án BOT trên các tuyến đường mới hoàn toàn, để người dân có sự lựa chọn đi đường do Nhà nước đầu tư hoặc trả phí để đi đường mới đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Đồng thời tới đây, các trạm thu phí BOT sẽ áp dụng thu phí tự động, thu phí kín, không dừng đỗ… để quản lý và minh bạch nguồn thu từ BOT. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm