Bộ GTVT: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đủ điều kiện vận hành thương mại

Trong văn bản vừa gửi đến Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (sau đây gọi là hội đồng), Bộ GTVT khẳng định dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đủ điều kiện để vận hành thương mại.

Tương lai dự án khai thác 24 đoàn tàu

Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được nghiệm thu hoàn thành tuân thủ theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, vận hành thử đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Đối với một số vấn đề còn tồn tại về chất lượng của dự án, Bộ GTVT khẳng định không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng của công trình. Dự án cũng đảm bảo đủ điều kiện khai thác an toàn theo xác nhận của Ban Quản lý dự án đường sắt và kèm theo các giải pháp khắc phục thời gian bảo hành công trình.

“Như vậy, việc nghiệm thu công trình đã hoàn thành và đảm bảo đúng quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế được duyệt, nội dung hợp đồng dự án, công năng thiết kế và đáp ứng các chỉ tiêu vận hành theo tiêu chuẩn dự án. Toàn bộ kết quả thực hiện, nghiệm thu được báo cáo hội đồng theo quy định…”- Bộ GTVT khẳng định.

Dự án Cát Linh - Hà Đồng đang chờ hội đồng "bấm nút". Ảnh: V.LONG

Về việc đánh giá an toàn hệ thống, Bộ GTVT cho rằng trước đây Trung Quốc chỉ đánh giá hệ thống tín hiệu, đến cuối năm 2020 nước này mới áp dụng việc đánh giá an toàn công trình giao thông đường sắt đô thị. Cạnh đó, việc áp dụng các yêu cầu an toàn làm căn cứ cho nhà thầu, nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà tích hợp lập hồ sơ an toàn (RAMS) cũng mới được Trung Quốc quy định cụ thể hơn từ tháng 10-2020.

Như vậy, có thể thấy tại Trung Quốc trước tháng 10-2020 không quy định áp dụng tiêu chuẩn RAMS mang tính bắt buộc cho các hệ thống khác ngoài hệ thống tín hiệu. Việc đánh giá an toàn công trình giao thông đường sắt đô thị cũng là quy định mới.

“Trên cơ sở kết quả đánh giá an toàn của tư vấn ACT được Bộ GTVT chấp thuận là phù hợp với thực tế dự án cũng như tương đồng với các dự án tại Trung Quốc thực hiện trước năm 2020…”- Bộ GTVT lý giải.

Đối với quy trình bàn giao đưa dự án vào khai thác, Bộ GTVT cho rằng theo hợp đồng EPC (hợp đồng trọn gói) và các quy định hiện hành thì dự án phải triển khai công tác vận hành thử toàn hệ thống để nghiệm thu trước khi đi vào khai thác thương mại.

Tùy thuộc vào mức độ nghiệm thu, nếu dự án còn tồn tại nhỏ không ảnh hưởng đến an toàn chịu lực công trình, cơ quan chức năng có thể đưa vào khai thác có điều kiện (giảm một số chỉ tiêu) theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, hiện tại dự án được nghiệm thu hoàn thành và kết quả vận hành thử đã đảm bảo các chỉ tiêu vận hành khai thác theo đúng thiết kế.

Cụ thể, năng lực tối đa toàn tuyến Cát Linh – Hà Đông là 24 đoàn tàu cùng hoạt động với giãn cách tối thiểu 2,3 phút. Trong đó, thiết kế vận hành giai đoạn ban đầu như hiện nay chỉ 13 đoàn tàu, với tối đa 10 đoàn tàu hoạt động trên tuyến với giãn cách 6 phút, đồng nghĩa với việc khi đưa vào khai thác hiện nay cũng chỉ khai thác chưa đến 50% năng lực tối đa theo thiết kế.

“Nên có thể đưa công trình vào khai thác mà không cần giảm chỉ tiêu nào cho dù vẫn còn một số tồn tại và một số phát hiện được Tư vấn ACT khuyến cáo cải tiến nâng cao trong quá trình khai thác…”- Bộ GTVT khẳng định.

Hội đồng sớm chấp thuận để bàn giao cho Hà Nội

Riêng hoạt động khai thác thử, Bộ GTVT cho biết đây không phải là hoạt động kiểm tra, thử nghiệm trong giai đoạn thực hiện đầu tư dự án mà là hoạt động vận tải hành khách trong giai đoạn vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị và do công ty vận hành khai thác thực hiện.

Trên cơ sở đó, đơn vị vận hành tự lập biểu đồ chạy tàu ban đầu để tổ chức vận hành khai thác theo điều kiện thực tế. Quá trình khai thác lần đầu sẽ xác định được các dữ liệu đầu vào về lưu lượng khách, tốc độ lưu chuyển khách, tốc độ thoát khách ra khỏi tuyến, kết nối của các loại hình phương tiện khác...

Từ dữ liệu đó, đơn vị vận hành cập nhật, điều chỉnh biểu đồ chạy tàu cho phù hợp nhất, lập các phương án và kịch bản biểu đồ chạy tàu theo mùa, tháng, năm, dịp lễ tết, kỳ nghỉ, hoạt động văn hóa du lịch, trường hợp đột biến....

Cạnh đó, các biểu đồ chạy tàu điều chỉnh này cũng là đầu vào cho các công tác duy tu bảo dưỡng, chuẩn bị sẵn sàng vật tư dự phòng, cải tiến các quy trình để tối ưu hóa phù hợp với thực tế.

“Vì vậy, dự án đã hoàn thành, đủ điều kiện bàn giao cho đơn vị vận hành đưa vào khai thác…”- Bộ GTVT khẳng định.

Sau khi bàn giao, đơn vị quản lý vận hành (Hà Nội Metro) có thể tham khảo cách làm của Trung Quốc cho thời gian khai thác lần đầu. Đồng thời sẽ có sự hỗ trợ của tư vấn vận hành hiện có để tối ưu hoạt động vận hành khai thác, nhanh chóng hoàn thiện độ thành thục của nhân sự cũng như bộ máy của đơn vị vận hành khai thác. Song song đó, kết hợp với đánh giá cấp chứng nhận an toàn cuối cùng của Tư vấn Ricardo cho hệ thống tín hiệu.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT một lần nữa cho rằng dự án hiện đã hoàn thành đáp ứng được các tiêu chuẩn, thiết kế, quy định quản lý chất lượng hiện hành. Đặc biệt, dự án được đánh giá, cấp Chứng nhận an toàn hệ thống của Tư vấn ACT. Đủ điều kiện an toàn cho vận tải hành khách theo xác nhận của Tư vấn Ricardo; đã đáp ứng được các yêu cầu theo quy định hiện hành về an toàn phòng cháy chữa cháy, môi trường, đăng kiểm phương tiện, huấn luyện đào tạo.

“Toàn bộ dự án được nghiệm thu tổng thể hoàn thành và báo cáo hội đồng. Bản chất công tác khai thác thử theo tiêu chuẩn của Trung Quốc cũng được làm rõ là hoạt động khai thác vận tải hành khách lần đầu của đơn vị quản lý vận hành theo quy định mới nhất của Trung Quốc.

Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị hội đồng xem xét, chấp thuận kết quả nghiệm thu của Chủ đầu tư đối với dự án làm cơ sở tiến hành bàn giao công trình đưa vào vận hành khai thác…”- Bộ GTVT cho hay.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài hơn 13 km, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở tối đa 1.326 người, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/giờ.

Nhân sự vận hành toàn hệ dự kiến gần 700 người, trong đó 200 người được đào tạo ở Trung Quốc.

Công trình được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc, giá trị hơn 669 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam, hơn 198 triệu USD. Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, với tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Thời hạn bảo hành dự án là 2 năm.

Được biết, hiện nay phía Việt Nam đã thanh toán 95% tiền cho nhà thầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm