Bộ Công Thương hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà

Ngày 22-9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã ký văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đến từng UBND các tỉnh, thành phố sau thời gian dài chờ đợi.

Trong văn bản này, Bộ Công Thương dẫn các quy định và khẳng định ĐMTMN phải được lắp đặt trên mái nhà của các công trình xây dựng có công năng độc lập, phù hợp với công năng, mục đích sử dụng công trình đó.

Trên cơ sở này, các công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khác muốn tham gia đầu tư vào ĐMTMN thì phải có tấm quang điện được lắp trên mái công trình xây dựng và mái này phải phù hợp với công năng, loại hình trang trại đó.

Ảnh minh họa: PLO

Về trường hợp nhiều hệ thống ĐMTMN có tổng công suất trên 1 MW (mỗi hệ thống có công suất không quá 1 MW) trên một địa điểm được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp của một hoặc nhiều nhà đầu tư, trường hợp một chủ đầu tư mua lại nhiều hệ thống ĐMTMN nằm liền kề nhau, có tổng công suất trên 1 MW, trường hợp này, Bộ Công Thương cho biết mỗi hệ thống được ký hợp đồng mua bán điện riêng biệt và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Tổ chức, cá nhân mua lại được kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong hợp đồng mua bán điện mà các chủ đầu tư trước đã ký nhưng phải thực hiện thủ tục chuyển thể hợp đồng và không được gộp với các hợp đồng mua bán điện hệ thống ĐMTMN thành một hợp đồng.

Trường hợp chủ đầu tư tận dụng mái nhà của văn phòng làm việc, nhà điều hành, nhà bếp, nhà nghỉ, nhà để xe của nhân viên... để đầu tư ĐMTMN và đề nghị lắp công tơ riêng, ký hợp đồng mua bán điện cho hệ thống ĐMTMN, trường hợp này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được ký hợp đồng mua bán điện nếu thấy phù hợp với quy định.

Bộ Công Thương cũng nêu rõ một số trường hợp không được áp dụng giá bán điện là điện mặt trời mái nhà, đơn cử như hệ thống điện mặt trời có công suất dưới 1 MW nhưng không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng có công năng độc lập hay hệ thống mặt trời của trang trại chăn nuôi, trồng trọt... với công suất trên 1 MW hoặc trên 1,25 MWp; hệ thống điện mặt trời đấu nối vào cấp điện áp trên 35 kV.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế phù hợp với tình hình thực tiễn để áp dụng sau năm 2020 đối với các kiến nghị ưu đãi cho trường hợp lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà có công suất lớn hơn 1 MW; đầm nuôi trồng thủy hải sản, trang trại trồng trọt... có nhu cầu sử dụng chính tấm quang điện làm mái.

Bộ Công Thương yêu cầu EVN hướng dẫn các đơn vị điện lực thực hiện đấu nối, ký kết hợp đồng mua bán điện hệ thống ĐMTMN theo đúng quy định.

EVN chịu trách nhiệm đảm bảo các hệ thống ĐMTMN được đấu nối phù hợp với quy định, không gây quá tải lên hệ thống lưới điện hạ áp, trung áp và cao áp hiện hữu, đặc biệt là hệ thống lưới điện 110 kV.

Bộ cũng yêu cầu EVN yêu cầu chủ đầu tư hệ thống ĐMTMN có bản cam kết tự chịu trách nhiệm về công trình xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn, quy định của pháp luật hiện hành, mái nhà của công trình xây dựng phù hợp với chức năng, mục đích sử dụng của công trình.

"Đối với hệ thống ĐMTMN của công trình trang trại, EVN cần yêu cầu chủ đầu tư bổ sung xác nhận của UBND cấp xã hoặc huyện về việc khai báo xây dựng trang trạng trong hồ sơ đăng ký, thỏa thuận đấu nối điện hoặc hợp đồng mua bán điện" - Bộ Công Thương yêu cầu.

Đối với các vướng mắc liên quan đến điều kiện kinh doanh, quản lý thuế, hóa đơn của các đối tượng có hệ thống ĐMTMN, Bộ Công Thương đề nghị EVN xin ý kiến và hướng dẫn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm