Bình Chánh: Gần 13.500 hộ dân kẹt cứng, vì đâu?

Sáng 21-12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi giám sát tại huyện Bình Chánh về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn TP kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Theo UBND huyện Bình Chánh, hiện nay huyện có gần 13.500 hộ dân đang kẹt cứng vì quy hoạch dân cư xây mới. Đó cũng là một trong hàng loạt bất cập, vướng mắc về quy hoạch khiến không chỉ người dân bị thiệt thòi mà còn khiến huyện ngoại thành này gặp vô vàn khó khăn trong quá trình phát triển đô thị.

Dân khổ sở vì 1.550 ha đất quy hoạch dân cư xây mới và hỗn hợp

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện đến năm 2020 đã được TP phê duyệt vào năm 2012. Ông Trương Thái Ngọc, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện, cho biết hiện nay toàn huyện đã phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2.000.

Tuy nhiên, hầu hết các đồ án quy hoạch này đều được duyệt từ trước năm 2013. Thậm chí có một số đồ án được duyệt từ năm 1997, đến nay gần 25 năm, đã lạc hậu, không còn phù hợp với công tác quản lý nhà nước cũng như sự đồng thuận của người dân.

Một trong những bất cập của quy hoạch là hai chức năng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới. Theo báo cáo của huyện Bình Chánh, địa phương có tổng cộng hơn 1.550 ha đất quy hoạch chức năng là đất dân cư xây dựng mới (1.455 ha) và đất hỗn hợp (50,6 ha).

Hiện có gần 13.500 căn nhà của người dân đang ở trong hai chức năng quy hoạch này. “Người dân rất bức xúc vì bị ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp về nhà, đất như chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, xin phép xây dựng… Vì theo các quy định hiện hành thì huyện chưa thể giải quyết cho dân” - ông Ngọc nói.

Ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch ubnd huyện Bình Chánh, cho rằng muốn phát triển Bình Chánh thì cần khoảng 10.000 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng và các dự án đầu tư công. Ảnh: VH

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Ngọc cho biết: Năm 2019, UBND TP có Thông báo số 477 chấp thuận chủ trương đối với khu vực có quy hoạch được duyệt là đất ở (trong quy hoạch đất hỗn hợp và dân cư xây mới) nhưng chưa có quyết định thu hồi và chưa có kế hoạch sử dụng đất để Nhà nước thu hồi đất thì được phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Cùng với đó, người có đất cũng được xem xét cấp phép xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, hiện nay huyện Bình Chánh vẫn chưa thể giải quyết cho dân.

Huyện Bình Chánh cũng chưa thể giải quyết cấp phép xây dựng nhà ở cho người dân trong hai chức năng quy hoạch này dù người dân có đất ở.

Lý do, theo ông Ngọc, các thửa đất thuộc chức năng quy hoạch đất dân cư nông thôn xây dựng mới được duyệt, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nhưng không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được duyệt từ năm 2012 nên chưa xem xét cấp phép xây dựng cho dân. Điều này cũng tương tự với lĩnh vực tách thửa và gây nhiều bức xúc cho người dân.

Một quyết định treo quyền lợi của dân suốt 26 năm

Tại buổi giám sát, các đại biểu cũng bày tỏ nhiều băn khoăn về chất lượng các đồ án quy hoạch, về các dự án chậm triển khai, về quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng trong các đồ án quy hoạch cũng như trong các dự án “treo”.

Ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết địa phương này gặp không ít khó khăn vì quy hoạch có quá nhiều bất cập, không còn phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Trong khi dân số hiện nay đã lên đến 830.000 người.

Ông Vượng dẫn chứng quy hoạch các khu chức năng B, C, D, E trong khu đô thị mới Nam TP, ảnh hưởng đến hàng chục ngàn dân từ năm 1995 đến nay nhưng vẫn chưa thể tháo gỡ. Theo ông Vượng, nguyên nhân là khu vực này đã được Thủ tướng ban hành quyết định thu hồi đất từ năm 1995 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

“Do đã có quyết định thu hồi đất nên mọi quyền lợi của người dân về đất đai, xây dựng đều không được giải quyết khiến người dân rất bức xúc. Huyện cũng rất chia sẻ với những bức xúc của người dân nhưng vướng quyết định thu hồi đất nên không thể làm gì được” - ông Vượng nói.

Theo ông Vượng, các khu chức năng này nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, trục đường đẹp nhất huyện Bình Chánh. “Nếu tháo gỡ được quy hoạch khu vực này, đầu tư xây dựng và khai thác được thì sẽ giúp khu vực phát triển rất tốt. Không chỉ về diện mạo của Bình Chánh mà các khu vực lân cận cũng được hưởng lợi, để kéo dài tình trạng như hiện nay vừa khó khăn cho huyện vừa khổ sở cho người dân” - ông Vượng nói.

Chủ tịch huyện Bình Chánh cũng cho biết thêm huyện phối hợp với Ban quản lý khu đô thị Nam TP rà soát hiện trạng để đề xuất TP xử lý. Cùng với đó, huyện Bình Chánh cũng mời các sở, ngành TP xuống làm việc và đã có báo cáo TP sớm gỡ vướng cho khu vực này. Theo ông Vượng, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cũng đã cho thành lập tổ công tác phối hợp cùng Bình Chánh và Ban quản lý khu đô thị Nam TP tìm cách gỡ.

Trước đó, hồi tháng 3, trong cuộc họp phê duyệt nhiệm vụ năm 2021 của huyện Bình Chánh, ông Lê Hòa Bình cho biết TP sẽ có cuộc họp riêng về các vấn đề trong khu đô thị mới Nam TP. Trong đó có các khu chức năng nêu trên. Tuy nhiên, hiện nay đây vẫn đang là vấn đề nhức nhối của người dân sống trong khu vực này.

Bình Chánh cần 10.000 tỉ để xây dựng 583 dự án

Tại buổi giám sát, ông Đào Gia Vượng cho biết, huyện Bình Chánh sau 18 năm tách huyện vẫn phát triển chậm. Hiệu quả sử dụng đất không đáng kể so với quận Bình Tân, quận 7, thậm chí là còn quá chậm so với Long An. Theo ông Vượng, Bình Chánh muốn phát triển bài bản thì phải đầu tư hạ tầng cũng như thực hiện các dự án đầu tư công khác. Huyện đã rà soát và đưa vào danh mục đầu tư 583 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ báo cáo cấp trên xem xét

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm