Báo cáo BCH Trung ương về đường sắt Bắc- Nam tốc độ cao

Tại buổi làm việc, ông Thể đã thông tin một số chi tiết quan trọng liên quan đến dự án đường sắt Bắc-Nam tốc độ cao.

Tháng 5-2019 trình đề án trước Quốc hội 

Theo đó, về dự án này Bộ GTVT đã họp một lần và tháng 10 tới đây báo cáo Ban chấp hành Trung ương đề án đường sắt Bắc-Nam tốc độ cao. Từ đó kịp thời chỉnh sửa báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để kì họp vào tháng 5-2019 sẽ trình ra Quốc hội về đề án này.

“Thủ tướng và Chính phủ cũng đánh giá là không còn đường lùi. Chúng ta phải khẩn trương chuẩn bị trong nhiệm kỳ này, hoàn tất thủ tục để năm 2020-2025 thì chúng ta sẽ bố trí được một số kinh phí để làm một số đoạn. Có thể chúng ta kiên trì làm trong vòng 30-40 năm để hình thành nên tuyến đường sắt Bắc-Nam tốc độ cao. Trước mắt chúng ta chọn một số vị trí xung yếu có thể là TP Hà Nội-Vinh; TP.HCM-Nha Trang; Đà Nẵng-Huế…”, Bộ trưởng Thể nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi làm việc chiều 2-3. Ảnh: LÊ PHI

Theo Bộ trưởng Thể, làm mỗi nhiệm kỳ một ít thì mới có cơ may hình thành được tuyến đường sắt này.

“Chúng tôi thống nhất là khi nghiên cứu tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam liên thông chỗ nào và dự án ga Đà Nẵng như thế nào, chứ không khéo lại chồng chéo lẫn nhau”, Bộ trưởng Thể nói.

Ông Thể yêu cầu các đơn vị phải làm việc với đơn vị tư vấn để lồng ghép dự án trên vào với nhau. Phải nghiên cứu trong cái tổng thể của đường sắt Bắc- Nam để có sự phối hợp nhịp nhàng. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thì hiện tại kinh phí cho dự án là không có. 

"Cho nên có vậy mới giao Bộ GTVT với Đà Nẵng nghiên cứu, đề xuất. Nói thật ra là không có kinh phí. Vì thực ra nghiên cứu thì đã nghiên cứu mười mấy năm rồi còn cái gì nữa đâu mà nghiên cứu. Di dời cái nhà ga có gì đâu mà nghiên cứu”, Bộ trưởng Thể thẳng thắn nói.

Bộ trưởng Thể cho rằng giữa bộ và TP Đà Nẵng phải có sự phối hợp để báo cáo Chính phủ. Bởi vì Chính phủ cũng có thể giải quyết được những đột xuất vì có vốn dự phòng, vốn tăng thu hoặc một nguồn nào đó như cổ phần hoá doanh nghiệp.

“Ví dụ như vừa rồi bán được 100.000 tỉ đồng (bán 53,59% cổ phần Nhà nước tại Sabeco-PV) thì xài vào cái gì. Do vậy nếu chúng ta có báo cáo kịp thời, có phối hợp, kiên trì thì cũng sẽ thuận lợi. Nếu mà chỉnh trang đô thị cần phải di dời cái ga này, Thủ tướng ủng hộ thì khả năng thành công của chúng ta là rất lớn”, ông Thể cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: LÊ PHI

Chưa có trong kế hoạch trung hạn

Trước đó, về dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc số báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho phân kỳ đầu tư thực hiện trước giai đoạn 1 của dự án với kinh phí 3.393 tỉ đồng. Hình thức đầu tư công kết hợp doanh nghiệp tự đầu tư. Giai đoạn 2 (2.371 tỉ đồng) sẽ thực hiện khi Nhà nước cân đối được nguồn vốn.

Tuy nhiên, ngày 2-12-2017, Bộ Tài chính có văn bản thống nhất về chủ trương di dời ga nhưng dự án lại chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. 

Mới đây, ngày 22-1-2018, Bộ KH&ĐT cũng có văn bản số 22 thống nhất về chủ trương di dời ga nhưng dự án lại vẫn chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Bộ này cũng đề nghị Bộ GTVT phối hợp UBND TP nghiên cứu phương án khả thi để đầu tư trước giai đoạn 1 từ nguồn vốn hợp tác kinh doanh, vốn khu vực tư nhân hoặc nguồn thu thông qua quỹ đất nhà ga cũ.

Ngày 25-1-2018, Văn phòng Chính phủ có công văn, trong đó Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ KH&ĐT và các bộ liên quan thống nhất về nguồn vốn để thực hiện dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng theo hình thức đối tác công tư (PPP).

"Kính đề nghị Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo Ban QLDA Đường sắt và các cơ quan, đơn vị phối hợp với Đà Nẵng hoàn chỉnh phương án đầu tư, nguồn vốn thực hiện để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý II-2018 làm cơ sở triển khai tiếp theo", ông Tuấn nói. 

Đường sắt tốc độ cao có cần thiết?
Đường sắt tốc độ cao có cần thiết?
(PLO)- “Đường bộ, hàng không cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng ngành đường sắt nhiều năm vẫn cũ kỹ, lạc hậu. Do đó, việc sớm hình thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam theo chỉ đạo của Chính phủ là yêu cầu cấp bách…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm