Bàn cách thoát ‘mê hồn trận’ thủ tục xây dựng

Bộ Xây dựng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội về các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Hội thảo sôi động cả buổi sáng 29-3.

Thà mua lại dự án

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, bảo rằng đầu tư xây dựng có cả chục luật tác động. Nhưng điều quan trọng là cùng một vấn đề nhưng giữa luật này và luật kia còn có sự khác biệt nên việc vận dụng xử lý có khó khăn cho người thực hành. Và có thể đó chính là nguyên nhân khiến việc thực hiện thủ tục đầu tư rất thiếu khoa học và gây ra lãng phí, bức bí không cần thiết.

“Để thẩm định một dự án đầu tư xây dựng chắc chắn phải làm việc với Bộ Xây dựng nhưng nếu có đất đai thì lại phải làm việc với Bộ TN&MT, với Bộ Công an về phòng cháy chữa cháy, chưa kể chiều cao tĩnh không phải qua Bộ Quốc phòng. Như vậy, chủ đầu tư phải làm việc với bốn nơi một cách độc lập mà chúng ta không có một cửa thống nhất, một đầu mối giải quyết” - ông Hiệp nói.

Còn nếu ở cấp thành phố, ông Hiệp cho biết để xin được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thì Sở KH&ĐT là đầu mối tiếp nhận hồ sơ. Quy định thì nếu hồ sơ hợp lệ chỉ 15 ngày sau là có kết quả. “Nhưng thực tế, sở này lại gửi văn bản hỏi ý kiến tới các sở Xây dựng, Quy hoạch-Kiến trúc, Tài chính, TN&MT, Cục Thuế và quận (nơi có dự án). Như vậy, thực chất phải qua sáu cửa mà cuối cùng doanh nghiệp sẽ phải gặp trực tiếp cả sáu nơi này mới giải quyết được công việc” - ông Hiệp nói và khẳng định doanh nghiệp phải mất 5-6 tháng là chuyện… bình thường.

“Có lẽ chính vì vậy nên nhà đầu tư nước ngoài luôn xác định thà mua lại dự án với chi phí cao hơn một chút nhưng họ không phải trực tiếp đi vào “mê hồn trận” thủ tục của chúng ta” - ông Hiệp nói.

“Chĩa” vào nhà thầu

Ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho rằng hiệp hội đã từng góp ý cụ thể, kể cả đối với Luật Đấu thầu nhằm đạt được mục tiêu công khai, minh bạch, công bằng. “Tuy vậy, hiện nay các nghị định, thông tư trái với luật này, không khớp với luật này, rất nhiều hướng dẫn trái luật” - ông Cận nói.

Cụ thể, ông Cận cho hay nhiều nội dung tại các thông tư, nghị định hầu hết “chĩa” vào nhà thầu. Trong khi đó, cái vướng nhất lại nằm ở chủ đầu tư khi họ có nhiều thủ thuật để “quây thầu”, không bán thầu, gây khó khăn cho nhà thầu.

Hoặc, vẫn theo ông Cận, Luật Đấu thầu nói rất nhiều nhưng chỉ định thầu vẫn xảy ra, không khắc phục được. “Có lẽ phải có chế tài đủ mạnh với chủ đầu tư và người có thẩm quyền. Bởi đây là vấn đề bức xúc khi nhà thầu không có công ăn việc làm, nhà thầu trở thành “chân gỗ” của chủ đầu tư” - ông Cận nói.

Nhưng không chỉ có vậy, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, còn đề cập đến tình trạng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. “Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thường có những kết luận chồng chéo nhau do dựa trên các căn cứ pháp lý khác nhau. Vậy phải làm sao để thanh tra, kiểm tra nhắm tới mục tiêu phát hiện, phòng ngừa khắc phục sai sót, rủi ro… Chứ không phải thanh tra, kiểm toán để gây áp lực tâm lý, triệt tiêu sự chủ động của doanh nghiệp” - ông Long gay gắt.

Tiếp thu tối đa

Phát biểu cuối hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh đầu tư xây dựng cơ bản là lĩnh vực quản lý lớn, liên quan tới nhiều bộ, ngành. “Chúng tôi tiếp thu hợp lý, tối đa các ý kiến. Việc tiếp thu, sửa đổi các quy định trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản phải đảm bảo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời cũng bảo đảm sự quản lý của Nhà nước. Tất cả phải tiến tới sự hài hòa, nhất là với những đối tượng đặc thù là các công trình xây dựng. Xu hướng của Chính phủ hiện nay là chuyển sang hậu kiểm. Nhưng trong xây dựng thì cần phải xác định khi nào thì tiền kiểm, khi nào thì hậu kiểm. Vì nếu cứ tiến hành hậu kiểm thì có khi hậu kiểm thì nhà, công trình đã đổ mất rồi…” - Bộ trưởng Hà nói.

Bộ Xây dựng đang đi đầu trong cải cách hành chính và thể chế. Tuy vậy, ngành xây dựng vẫn còn hiện tượng “sân sau”, chi phí không chính thức vẫn lớn hơn các ngành nghề khác, vẫn còn tình trạng “ưu ái doanh nghiệp thân quen”…

Ông VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch VCCI 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm