7 dự án đường bộ, đường sắt chậm, tăng vốn vì đâu?

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội kết quả tổng hợp Nghị quyết số 113/2015 của Quốc hội và các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn.

Theo Chính phủ, hiện nay có hai dự án đường bộ chậm tiến độ gồm: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Bến Lức - Long Thành.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vay vốn ODA của Trung Quốc. Ảnh: V.LONG

Nhóm dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư gồm có năm dự án. Cụ thể, dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương (TP.HCM làm chủ đầu tư) và dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (Hà Nội làm chủ đầu tư). Hai dự án còn lại do Bộ GTVT làm chủ đầu tư gồm tuyến Cát Linh - Hà Đông và tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi.

Theo Chính phủ, nguyên nhân chậm tiến độ, đội vốn là do hầu hết các dự án có quy mô lớn, đòi hỏi quy trình quản lý, công nghệ thi công phức tạp. Có những dự án lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam (đường sắt đô thị), trong khi chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện.

Cạnh đó, năng lực nhà đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn còn hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp… Các khó khăn, vướng mắc không được xử lý triệt để, nhiều nội dung phải điều chỉnh, dẫn đến thời gian thực hiện bị kéo dài, điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư...

Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan như biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, tỉ giá hối đoái thay đổi làm tăng tổng mức đầu tư của dự án. Đồng thời, công tác xử lý kỹ thuật, xử lý lún kéo dài, điều kiện địa chất phức tạp, thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án…

Chính phủ cho rằng việc để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án cơ bản thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề chậm giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư kéo dài, thiếu mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu thi công là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ tại nhiều dự án, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị. Trách nhiệm này thuộc địa phương và cả chủ đầu tư.

Chủ đầu tư, tư vấn thực hiện dự án cũng chịu trách nhiệm về công tác lập, thẩm định dự án đầu tư.

“Thực tế các dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu. Đồng thời, yêu cầu điều chỉnh quy mô đầu tư dẫn đến tình trạng tăng tổng mức đầu tư…” - báo cáo Chính phủ nêu rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm