4 tháng Bộ GTVT giải ngân được gần 25% vốn đầu tư công

Ngày 6-5, Bộ GTVT cho biết sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và các thứ trưởng, kết quả giải ngân của ngành giao thông có chuyển biến tích cực.

4 tháng Bộ GTVT giải ngân được gần 25% vốn đầu tư công ảnh 1
Trong tháng 5 và 6, Bộ GTVT sẽ khởi công dự án nâng cấp đường sắt trên tuyến Bắc-Nam. Ảnh: V.LONG

Cụ thể, tổng số kế hoạch năm 2020 Bộ GTVT được Thủ tướng giao trên 35.300 tỉ đồng. Trong đó, 1.652 tỉ đồng trả nợ dự án BT nút giao ngã ba Huế (TP Đà Nẵng).

Ngoài số vốn kế hoạch năm 2020, Bộ GTVT thực hiện giải ngân kéo dài kế hoạch năm 2019 sang năm 2020 khoảng 3.789 tỉ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch giải ngân năm 2020 của Bộ GTVT khoảng 37.438 tỉ đồng.

Đến nay, Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch năm 2020 được 31.689 tỉ đồng, đạt 94,2% kế hoạch năm 2020. Còn lại khoảng 1.960 tỉ đồng cần tiếp tục hoàn thiện thủ tục liên quan để giao chi tiết.

Đến hết tháng 4-2020, Bộ GTVT giải ngân được khoảng 9.208 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 24,6% kế hoạch giải ngân cả năm (9.208/37.438 tỉ đồng).

“Kết quả giải ngân kế hoạch lũy kế 4 tháng đầu năm cơ bản đang bám sát kế hoạch chi tiết do các chủ đầu tư và ban quản lý dự án lập. Tuy nhiên, điều lo ngại là Sở GTVT Kon Tum và Hòa Bình hầu như chưa giải ngân kế hoạch 2020…” - Bộ GTVT cho hay.

Ông Nguyễn Danh Huy (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT) cho rằng dù kết quả giải ngân 4 tháng đạt khá cao so với bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, phần giải ngân cho giải phóng mặt bằng và các hợp đồng xây lắp chiếm tỉ trọng không lớn trong kết quả này.

“Để thực hiện thành công kế hoạch năm 2020 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, bộ trưởng đã chỉ đạo rất quyết liệt các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần kiện toàn, tăng cường năng lực cán bộ điều hành tại các dự án. Cạnh đó, phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng…” - ông Huy nói.

Trước đó, vào đầu tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành tập trung quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, có quy định cụ thể và chế tài đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương để xảy ra tình trạng chậm giải ngân các dự án đầu tư công ở bộ, ngành, địa phương mình.

Cạnh đó, xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm, làm chậm, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm