300 hộ dân bị ảnh hưởng nếu làm 2 đường vào sân bay Long Thành

Bộ GTVT vừa thay mặt Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối.

Cụ thể, tuyến số một (dài 3,8 km), kết nối trục chính cảng (đầu phía Tây) với quốc lộ 51. Giai đoạn một đầu tư với quy mô sáu làn xe. Thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh (10 làn xe chạy chính và sáu làn đô thị song hành), bề rộng mặt cắt ngang thay đổi từ 85-120 m.

Các đường kết nối với sân bay Long Thành. Ảnh: ACV

Tuyến số hai (dài 3,5 km), kết nối tuyến số một với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô mặt cắt ngang gồm bốn làn xe theo hai nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo Bộ GTVT, do hai tuyến đường bộ này trực tiếp phục vụ khai thác sân bay Long Thành, đồng thời tuyến số một sẽ là đường công vụ chính để ra vào thi công giai đoạn 1 của dự án nên cần bố trí vốn kịp thời để triển khai sớm.

“Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến này vào dự án và giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư. Tổng chi phí dự kiến khoảng 4.802 tỉ đồng (trong đó, chi phí đầu tư xây dựng là 3.233 tỉ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là 1.569 tỉ đồng) và diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 136 ha…” - Bộ GTVT kiến nghị.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị đưa diện tích đất thu hồi để thực hiện hai tuyến giao thông kết nối vào giai đoạn một của dự án. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy từ vốn đầu tư của dự án. “UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo khung chính sách được Chính phủ phê duyệt khi thực hiện Nghị quyết 53…” - ông Thanh nhấn mạnh.

Báo cáo thêm vấn đề trên, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết để làm hai tuyến đường này sẽ ảnh hưởng khoảng 300 hộ dân, trong đó 100 hộ phải bố trí đất tái định cư. “Công tác khảo sát hiện này đã hoàn thành, trường hợp Quốc hội đồng ý chúng tôi sẽ cho kiểm đếm và áp giá để thu hồi…” - ông Vĩnh thông tin và cho rằng nếu Quốc hội hoặc Chính phủ không quyết sẽ thiếu cơ sở để thu hồi đất.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng các tuyến giao thông kết nối khu vực sân bay với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ được Chính phủ và các địa phương cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo để đầu tư đảm bảo đồng bộ với từng giai đoạn khai thác của sân bay Long Thành.

Trong đó, có dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nâng cấp cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 2, tiếp đến tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (chuẩn bị trình Quốc hội thông qua) và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành được thiết kế chạy vào đường trục trung tâm của sân bay Long Thành.

“Tuy nhiên, hai tuyến đường trên không đưa vào kế hoạch trung hạn. Vì theo Luật đầu tư công, phải xác định được nguồn vốn mới triển khai các thủ tục tiếp theo. Nếu đưa hai tuyến đường này vào kế hoạch trên vừa khó khăn trong cân đối vốn trung hạn cũng như không kịp tiến độ dự án. Nên muốn Quốc hội thông qua để tỉnh Đồng Nai thực hiện việc thu hồi đất và nhà đầu tư thực hiện thi công…” - ông Thể nhấn mạnh.

Kết luận, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với Chính phủ trình ra Quốc hội nội dung trên. Trong đó, phải nêu rõ hai ý kiến còn khác nhau đối với hai tuyến đường này…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm