TP.HCM đề xuất tăng mức hỗ trợ cho người cách ly

Trưa 21-3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đoàn lãnh đạo TP.HCM đến kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại quận 8.
Quận 8 có 2 ca nhiễm là một phụ nữ ngụ ở đường Nguyễn Thị Tần (phường 2) và một người nam người Chăm, dự lễ hội Hồi giáo ở Kuala Lumpur (Malaysia) cho kết quả dương tính ở đường Dương Bá Trạc (phường 1).

Ông Trần Quang Thảo báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: TÁ LÂM

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Quang Thảo, Chủ tịch UBND quận 8, cho biết trên địa bàn có 2 trường hợp dương tính, 23 ca nghi nhiễm, đang giám sát 913 người cách ly tại nhà. Hiện còn 34 trường hợp đang cách ly tập trung, trong đó có 16 người từng tham gia hành lễ tại Malaysia, 5 người về từ vùng dịch, 13 người có tiếp xúc gần với các ca nhiễm.

Trước tình hình này, quận 8 đã khoanh vùng cách ly, kiểm tra dịch tễ, phối hợp triển khai công tác hậu cần để ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Hiện quận đang cách ly 140 hộ với 725 dân ở phường 1, đa phần là đồng bào người Chăm.
“Ở đây có một khó khăn là mình mang thức ăn đến mà không có chứng chỉ cho người Hồi giáo là họ không dùng. Họ dùng hải sản và mì chay” - ông Thảo nói về cái khó mà quận gặp phải.
Ông Thảo cũng cho biết một cái khó nữa, đa phần ở đây là người lao động phổ thông, phải đảm bảo kinh phí 60.000 đồng/ngày cho đồng bào người Chăm bị cô lập nhưng theo Thông tư 32 của Bộ Tài chính năm 2012 về phòng chống dịch bệnh thì chỉ có những người cách ly tại cơ sở mới được hưởng. Do đó, quận không thể nào đủ cơ sở để chi trả kinh phí. Từ đó, ông kiến nghị TP quan tâm tháo gỡ tình huống này.
Đại diện lãnh đạo UBND phường 1 cho biết ngay sau khi có ca dương tính, phường đã cho phun khử khuẩn xung quanh khu vực bệnh nhân này sinh sống. Phường cũng lập 6 chốt khoanh vùng những người dự lễ hội Hồi giáo ở Malaysia trở về trên địa bàn.
Đối với 140 hộ đang cách ly, phường trao tặng mỗi hộ 10 kg gạo, thùng mì chay, nước, trứng gà, sữa... Ngoài ra, phường cũng đã thực hiện các biện pháp tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Đại diện Trung tâm Y tế quận cho biết thêm, trong khu cách ly đặc biệt của quận 8 hiện có 16 người là người Chăm dự lễ hội Hồi giáo ở Malaysia về. "Quận bố trí cho họ một khu cách ly riêng biệt, họ về là ngồi tại chỗ hành lễ luôn. Người ta rất hợp tác, chỉ yêu cầu cho một không gian để ngồi hành lễ. Khi chúng tôi hỏi họ có yêu cầu ăn gì thì họ nói không yêu cầu gì hết, vì là đồ ăn riêng biệt nên người nhà của họ đem đến" - đại diện Trung tâm Y tế quận nói.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TÁ LÂM

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng mỗi phường của quận cần có Tổ đáp ứng nhanh với thành phần cần có cán bộ y tế và công an khu vực để nắm tình hình sức khỏe của từng người dân, từ đó có giải pháp xử lý nhanh nhất.

Theo ông Phong, việc lây nhiễm trong cộng đồng đang phát triển rất phức tạp, do đó phải đặc biệt chú ý, đơn cử như trường hợp bệnh nhân 34 đã lây nhiễm cho những người thân trong gia đình. Do đó, ông Phong yêu cầu trưởng ban chỉ đạo chống dịch của quận phải kiểm tra chặt chẽ, thông qua các Tổ công tác phải chỉ đạo hết sức cụ thể, nếu có vấn đề gì trong khả năng của quận phải báo cáo ngay lập tức. "Chỉ cần một vài trường hợp bị nhiễm thì sẽ lây lan rất nhanh" - ông Phong nhấn mạnh.
Ông cũng yêu cầu lãnh đạo quận 8 nâng cao ý thức trách nhiệm, không được phép chủ quan trong công tác phòng chống dịch COVID-19 vì an toàn của cộng đồng và vì sức khỏe của người dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thành Phong trao đổi với lãnh đạo quận 8. Ảnh: TÁ LÂM

Còn về vấn đề cách ly, ông Phong cho rằng đối với khu cách ly tập trung thì giải quyết bằng chế độ, nhưng những khu dân cư cách ly cần phải tính toán thật kỹ. Đối với các khu cách ly tập trung, ông Phong cho biết Thủ tướng đã đồng ý cho người dân được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày/người, tuy nhiên TP.HCM sẽ đề xuất tăng mức hỗ trợ này cũng như đề xuất chính sách hỗ trợ cho người lao động, hộ nghèo... bị ảnh hưởng.

Còn về thức ăn cho người Chăm, ông Phong cho biết trên địa bàn TP có 11 cửa hàng lớn có chứng chỉ phục vụ các loại thức ăn cho người Hồi giáo. Ông cho rằng do quận chưa tìm hiểu, chưa nắm nên mới kêu khó, cần phải xem xét lại bằng cách chủ động liên hệ với các cửa hàng để cung cấp thức ăn cho người Chăm.
“Phải giải thích cho họ hiểu, không khéo lại khiến họ hiểu nhầm mình đang giam giữ người ta. Mình mời họ cứ ở yên tại nhà, quận sẽ phục vụ cho từng gia đình, phải giải thích cho họ hiểu cách ly chính là đang bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình họ và cho cộng đồng, chứ hoàn toàn không có thái độ kỳ thị. Chúng ta phải có thái độ chia sẻ với họ” - ông Phong nói.
Còn về kinh phí mua khẩu trang, nước rửa tay cho các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn TP.HCM, ông Phong cho biết sẽ được tính vào chi thường xuyên, chứ không để cán bộ, công nhân viên tự mua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm