TP.HCM: 5 nỗ lực lớn trong phòng, chống COVID-19

16 ngày TP.HCM không có ca nhiễm mới kể từ ngày bắt đầu triển khai cách ly xã hội và đến thời điểm này, TP.HCM chỉ còn năm người phải chữa trị COVID-19.

Đây là tín hiệu vui sau nỗ lực không mệt mỏi suốt ba tháng của cả hệ thống chính trị và người dân TP.HCM trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.

Để có kết quả trên, ngoài sự đồng lòng của người dân thì những quyết sách mang tính tiên phong của chính quyền mang tính quyết định cho thành công bước đầu này.

Địa phương đầu tiên đóng cửa nhà hàng, quán bar

Ngày 27-3, Thủ tướng có Chỉ thị 15 về việc thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 và tiếp đến là Chỉ thị 16 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách... Cả nước thực sự bước vào cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh.

Trước khi có Chỉ thị 15, TP.HCM đã có những biện pháp quyết liệt cho cuộc chiến này.

18 giờ ngày 15-3, tiệm game ở phường Phước Bình, quận 9 vắng ngắt, bên ngoài dán thông báo “Quán tạm ngừng hoạt động đến hết ngày 31-3”. Không chỉ quán game mà tất cả quán bar, rạp chiếu phim, điểm massage, karaoke, vũ trường... trên địa bàn TP.HCM đều ngưng hoạt động theo văn bản chỉ đạo của UBND TP để chống dịch COVID-19.

10 ngày sau (25-3), UBND TP tiếp tục ra văn bản tạm ngừng hoạt động các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên), phòng tập gym, tiệm hớt tóc... đến hết tháng 3.

Trong một cuộc họp, nói về việc tạm ngừng trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu: Người dân buộc phải có “hai tuần sống khác” vì “nếu bỏ lỡ thời cơ vàng này là không thể làm lại và có lỗi với lịch sử”.

Sau một tuần thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, TP.HCM có sáu ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới. người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan nên ngày 9-4, UBND TP đã có văn bản khẩn về tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Trong đó yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, quận, huyện, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm, chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP nếu thực hiện không nghiêm chỉ thị. Song song đó, TP cũng tiếp tục yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài...

Có thể thấy TP.HCM đã tạm dừng các hoạt động tập trung đông người trước các địa phương trong cả nước 10 ngày, điều này góp phần vào việc kiểm soát được dịch.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM họp trực tuyến với các sở, ngành, địa phương. Ảnh: T.LÂM

Ban hành bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm

Trong những ngày chống dịch, hầu như tối nào ban chỉ đạo cũng họp, có tối họp đến ba cuộc để ra các quyết sách.

Đặc biệt, trong cuộc họp vào tối 30-3, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tính đến chuyện tạm dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn bằng bộ tiêu chí đánh giá để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.

Sau đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng đoàn công tác kiểm tra công tác ứng phó phòng, chống dịch tại Khu chế xuất Tân Thuận (56.000 lao động Việt Nam và 585 lao động nước ngoài) và một số cơ sở khác. Sau khi kiểm tra nơi làm việc, phòng ăn... của công nhân, ông chỉ ra những điểm chưa yên tâm về việc phòng, chống dịch và yêu cầu khắc phục.

Sau cuộc thị sát, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP.HCM đã ban hành bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus SARS-CoV2 tại doanh nghiệp trên địa bàn gồm 10 chỉ số thành phần. Trong đó nêu rõ: Nếu doanh nghiệp có chỉ số rủi ro lây nhiễm 80%-100% thì ngừng sản xuất, còn dưới 80% các doanh nghiệp được hoạt động nhưng phải có giải pháp giảm rủi ro...

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trong một cuộc họp về phòng, chống COVID-19. Ảnh: TÁ LÂM

Dựa vào bộ chỉ số này mà UBND TP có căn cứ yêu cầu Công ty TNHH PouYuen Việt Nam ở quận Bình Tân tạm đình chỉ hoạt động sản xuất trong hai ngày 14 và 15-4 để khắc phục.

Từ bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp mang tính tiên phong này, các quận, huyện có căn cứ để rà soát, chấm điểm các doanh nghiệp nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân...

“Việc TP.HCM ban hành bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp là bước đi mang tính chủ động, quyết liệt của TP.HCM trước tình hình dịch bệnh COVID-19” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

Chủ động nguồn khẩu trang, lập 62 chốt kiểm soát dịch

Đêm 3-4, sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong họp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và ông chỉ đạo triển khai ngay 62 chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.

Ngay sáng hôm sau, các chốt đã hoạt động, kiểm tra y tế hàng trăm ngàn lượt người đi từ các tỉnh, thành khác về TP.HCM và không hề có chuyện “ngăn sông cấm chợ”, đúng như tinh thần của Chỉ thị 16 của Thủ tướng, được người dân ủng hộ, đồng tình.

Trước đó, trong cuộc họp đầu tháng 2, ông Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị các cơ quan liên quan phải dự báo nhu cầu khẩu trang cho người dân, có giải pháp để đáp ứng nhu cầu này. Song song đó, ông giao chủ tịch UBND TP ra chỉ thị chế tài người ra đường không đeo khẩu trang.

Sau chỉ đạo này, bằng nhiều biện pháp, TP.HCM đã giải quyết được bài toán về khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn cho người dân trên địa bàn. Đến 26-3, chủ tịch UBND TP có chỉ thị đeo khẩu trang và đã xử phạt hàng ngàn trường hợp vi phạm quy định này.

TP.HCM đã đưa ra phương châm người dân không làm việc với người không đeo khẩu trang. Đây là điểm mới, đáng chú ý. Tôi nhận thấy sự quyết liệt của TP thông qua việc Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của TP.HCM, các quận, huyện giao ban, trao đổi đều đặn hằng ngày.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC 
phát biểu tại cuộc họp trực tuyến sáng 29-3 

Khám và cấp phát thuốc tại nhà cho người cao tuổi

Để hạn chế người bệnh tập trung tại các bệnh viện, đặc biệt là người cao tuổi, ngày 1-4, Sở Y tế TP.HCM có hướng dẫn các đơn vị khám và cấp phát thuốc tại nhà cho người cao tuổi trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp.

TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên có chính sách hỗ trợ cho hơn 600.000 người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch.

Cán bộ, công chức đã giảm một nửa phần thu nhập tăng thêm năm nay để hỗ trợ người lao động mất việc làm, không có thu nhập.

Kỳ họp bất thường ngày 27-3, HĐND TP đã thông qua việc chi 2.753 tỉ đồng phục vụ công tác chống dịch COVID-19, trong đó dùng 1.800 tỉ đồng để hỗ trợ người lao động mất việc với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng.

TP cũng đã quyết định hỗ trợ 750.000 đồng/người cho gần 12.000 người bán vé số để họ vượt qua khó khăn.

Rất nhiều nỗ lực mang tính tiên phong của TP.HCM để kiểm soát dịch bệnh như cuối tháng 2, trong khi các tỉnh, thành rục rịch có kế hoạch cho học sinh trở lại trường thì TP.HCM có văn bản kiến nghị Chính phủ cho học sinh cả nước nghỉ hết tháng 3.

TP.HCM cũng chuẩn bị 24.000 giường cách ly, 1.000 giường điều trị COVID-19, gần 40.000 nhân viên y tế sẵn sàng nhiệm vụ; chuẩn bị để tăng cường hệ thống xét nghiệm lên 5.000 mẫu/ngày...

Tất cả nỗ lực trên đã giúp tp bước đầu kiểm soát được dịch bệnh, góp phần vào thành công chung của cả nước...

Xây dựng bộ tiêu chí an toàn để ‘chung sống với bệnh’

Cùng với việc dồn sức cho chống dịch, không lơ là công tác phòng, chống dịch, TP.HCM cũng đã cân nhắc, tính toán cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa nhịp sống của TP trở lại bình thường.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, khi trở lại trạng thái bình thường mới, trước tiên TP cần có lộ trình để mở rộng quy mô các hoạt động đời sống, xã hội, dịch vụ; ít nhất trong vòng ba tháng (tháng 5 đến tháng 7-2020) quy mô được tăng dần lên và trở lại như cũ.

TP.HCM: 5 nỗ lực lớn trong phòng, chống COVID-19 ảnh 3
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân họp bàn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Ảnh: T.LÂM

Cụ thể, về sản xuất, kinh doanh, từ đây đến tháng 5 cần tập trung ưu tiên triển khai các chính sách Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp. Có kế hoạch để đến giữa tháng 5, các doanh nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ có hiệu lực từ tháng 4. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí sản xuất, kinh doanh an toàn để không phát dịch bệnh.

Chợ, siêu thị cũng cần quy định diện tích người mua, người bán để vừa chống dịch vừa duy trì đời sống bình thường.

Cần có quy định về đeo khẩu trang với tài xế vận tải, taxi, cho người dân ở các hoạt động tập trung, quy định về khoảng cách an toàn.

Hoạt động của nhà hàng, khách sạn cũng có tiêu chuẩn về khoảng cách.

Trường học chuẩn bị thật tốt, có tiêu chí an toàn để dự kiến giữa tháng 5 có thể cho học sinh đi học trở lại.

TP.HCM đã tính toán, lên kế hoạch hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm dịch COVID-19 cho từng lĩnh vực, dự kiến xong trong cuối tháng 4. TP.HCM sẽ bước vào giai đoạn mới “chung sống với bệnh truyền nhiễm nhưng không có dịch” để yên tâm hơn khi tiếp tục đi làm, tiếp tục sản xuất mà vẫn đảm bảo an toàn.

Ba cuộc họp liên tiếp trong một buổi tối

Tối thứ Tư, 1-4, ngày đầu tiên cả nước thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, gần 19 giờ thì kết thúc cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM, Phó Chủ tịch TP.HCM Lê Thanh Liêm thông báo cho các lãnh đạo có liên quan ở lại tiếp tục dự hai cuộc họp nữa.

Các cuộc họp hôm đó nhằm triển khai chỉ thị giãn cách xã hội của Thủ tướng một cách hiệu quả nhất.

Trong thời gian qua, ngày và tối nào Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cũng họp và liên tục đưa ra các giải pháp chống dịch, nâng cao khả năng điều trị, khoanh vùng cách ly người nhiễm, tăng giường bệnh, tăng lượng nhân viên y tế... Ở những cuộc họp đó, gần như lãnh đạo chỉ kịp ăn qua quýt bằng bánh mì lót bụng và kết thúc ngày làm việc thường là sau 20 giờ... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm