Hãy 'vì gia đình và những người thân yêu của chính mình'!

Chiều 8-3, PGS-TS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, cho biết đến thời điểm hiện tại Việt Nam ghi nhận ca nhiễm COVID-19 thứ 21.

“Chúng ta có thể thấy việc lây lan COVID-19 chủ yếu trong hộ gia đình. Trường hợp ở Vĩnh Phúc, cô gái từ vùng dịch về và chỉ trong một ngày đã lây sáu người trong gia đình. Bệnh nhân thứ 17 ở Hà Nội cũng đã lây ít nhất hai người trong nhà” - bà Anh Thư cho biết thêm.

Theo bà Anh Thư, cơ quan phòng, chống dịch COVID-19 thường xuyên kêu gọi những người đến từ hoặc đi qua các nước có dịch tự giác khai báo y tế “vì sức khỏe cộng đồng”. Tuy nhiên, dường như vẫn còn trường hợp trốn tránh.

Hành khách khai báo y tế tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Ảnh: TÂM NGUYỄN

“Phải chăng ý thức “trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội” là một điều gì đó còn chung chung, chưa thôi thúc, chưa đủ mạnh để tất cả những người đến từ hoặc đi qua các nước có dịch tự giác khai báo y tế” - bà Anh Thư chia sẻ.

Cũng theo bà Anh Thư, có lẽ cơ quan phòng, chống dịch COVID-19 nên thay đổi cách truyền thông. Thay vì kêu gọi những người đến từ hoặc đi qua các nước có dịch tự giác khai báo y tế ”vì sức khỏe cộng đồng” thì chuyển sang khai báo y tế “vì gia đình và những người thân yêu của chính mình”.

“Bên cạnh đó, cơ quan phòng, chống dịch COVID-19 cũng có thể kêu gọi những người đến từ hoặc đi qua các nước có dịch tự nguyện thực hiện cách ly để những người thân yêu của chính họ như vợ/chồng, con cái, cha mẹ, ông bà, cô chú, anh chị em... được bình yên, an toàn” - bà Anh Thư nói.

Theo bà Thư, tỉ lệ tử vong cao do COVID-19 thường rơi vào người có tuổi, cha mẹ, ông bà. "Nếu những người đến từ hoặc đi qua các nước có dịch không muốn chính mình là người đã lấy đi mạng sống của những người thân thì nên tự giác khai báo, chấp nhận cách ly tập trung” - bà Anh Thư nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm