Du học sinh: 'Nước mình kỳ lạ nhưng cũng rất tuyệt vời'

Đó là lời nhắn nhủ của Vũ Hiếu, một du học sinh Mỹ đang được cách ly tại khu ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, dành cho tất cả du học sinh khác cùng cảnh ngộ.

“Còn về được quê hương là một điều may mắn”

Trong bài chia sẻ của mình, Vũ Hiếu viết: “Mình là sinh viên năm tư, theo học một trường đại học nhỏ ở Maryland. Lúc COVID-19 mới chỉ manh nha ở Vũ Hán cuối tháng 12 năm ngoái, mình và rất nhiều người bạn quốc tế của mình hay mang COVID-19 ra làm trò đùa. Tụi mình chỉ nghĩ con virus là một dạng virus mùa thông thường, sớm muộn gì cũng sẽ qua.

Vũ Hiếu tại khu cách ly tập trung ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: NVCC

Rồi tháng 1 trôi đi và số người nhiễm bắt đầu tăng cao. Tới tháng 2, COVID-19 bắt đầu "xuất ngoại" toàn cầu lây nhiễm cho các nước trên thế giới. Lúc này, châu Âu chính thức thất thủ vì chính sách miễn dịch cộng đồng của họ thất bại toàn tập. Mình khi ấy đang ở New York City nghỉ thu với bạn. Lúc này toàn bang mới chỉ có khoảng 200 ca nhiễm.

Trường mình nới kỳ nghỉ thêm một tuần để lo chuẩn bị cho dịch. Trường cũng tiên liệu là khả năng chuyển tất cả các lớp sang online là rất cao. Chỉ ba ngày sau, trường mình chính thức đóng trường và quyết định phần còn lại của học kỳ sẽ online hết. Ngày hôm sau trường tuyên bố tất cả học sinh phải rời trường trước khi tháng 3 kết thúc.

Kỳ học cuối cùng của mình ở xứ cờ hoa kết thúc như thế đấy. Chóng vánh một cách lạ lùng, làm tất cả mọi người ngỡ ngàng và choáng váng.

 Mình còn không kịp chào tạm biệt với nhiều người bạn mà mình không biết có còn gặp lại không. Có rất nhiều nước mắt và hụt hẫng. Cảm giác bấp bênh và cảm giác không biết ngày mai sẽ như thế nào đè nén du học sinh quốc tế rất nhiều. Người bạn Ma-rốc của mình không được về nước vì nước họ đóng cửa biên giới, không cho ai ra vào hết, kể cả công dân. Bây giờ thấy rất nhiều bạn du học sinh không có cách nào để về Việt Nam, mình đau lòng lắm. Thiết nghĩ, mình còn được về với quê hương là một điều may mắn cực kỳ.

 Trước khi về, một giáo sư của mình tâm sự "Trong đời thầy, thầy đã thấy qua ba lần động đất, hai lần sóng thần và một thảm họa hạt nhân nhưng đại dịch này là một thứ gì đó vượt ngưỡng tất cả điều thầy biết". Trong ánh mắt thầy có sự mệt mỏi và cả sự sợ hãi...

Rồi Vũ Hiếu nhớ lại: “Khi máy bay đáp xuống Việt Nam, mình khóc rất nhiều. Chưa lần nào mình về nhà mà mình đầy tâm trạng như thế. Cảm giác như một người sắp chết đuối mà bấu víu được một thứ gì đó. Từ lúc lên xe để đi tới khu cách ly tới lúc xuống xe, đầu mình trống rỗng. Nhìn thấy dòng xe máy, những biển hiệu tiếng Việt và những con người da vàng tóc đen, mình vẫn không tin là mình thực sự đã về nhà".

“Việt Nam là một đất nước lạ lùng”

Vũ Hiếu nói thêm: "Vào khu cách ly, ba mẹ mình lo lắng rất nhiều, nhất là mẹ. Mẹ ngày nào cũng hỏi mình ăn uống, sinh hoạt thế nào, có thoải mái không. Lúc đầu mình hơi bỡ ngỡ vì đang ăn ngon nằm yên ở xứ người, đùng một cái ăn uống nằm chiếu như bộ đội ai chả bị sốc. Nhưng rồi mình nghĩ Việt Nam cũng là một đất nước lạ lùng”.

Thân nhân của người được cách ly tại ký túc xá ĐH Quốc gia chuyển đồ cho người thân. Ảnh minh họa: NY

Bởi theo Vũ Hiếu:

- Giữa mùa dịch, Việt Nam vẫn mang máy bay đi thẳng vào tâm dịch đón công dân về.

- Quân đội sẵn sàng lập lán, ăn ngủ trong rừng để nhường chỗ cho dân cách ly.

- Cách ly hàng ngàn người nhưng không thu phí đồng nào, chữa trị, xét nghiệm cũng miễn phí.

- Mang một bài hát đại chúng ra remix lại thành một bài hát về cách chống dịch COVID-19, còn có vũ điệu đi kèm.

Đặc biệt, tối 11 giờ đêm tại khu cách ly, các anh dân quân tự vệ vẫn ngân nga hát Việt Nam Hồ Chí Minh. Sự lạc quan giữa muôn vàn khó khăn như thế, chắc chỉ Việt Nam mới có.

- Một đất nước gần 100 triệu dân mà chỉ mới có hơn 120 ca nhiễm, đã thế chưa có trường hợp nào tử vong.

Vũ Hiếu tâm sự thêm: “Nhìn lại, thế hệ nào cũng sẽ trải qua những thời khắc khó khăn. Cách họ vượt qua khó khăn ấy như thế nào sẽ định hình thế hệ ấy.

 Thời ông bà mình, đó là cuộc chiến tranh đã giày xéo và tàn phá đất nước. Họ xung phong ra tiền tuyến, đánh đổi cả tuổi trẻ để cho đất nước những chữ tự do, độc lập và thống nhất linh thiêng. Thế hệ ba mẹ mình là hai chữ bao cấp, khi mà đất nước phải gượng mình sau chiến tranh. Họ phải bươn chải cả thời tuổi trẻ để gầy dựng một nền tảng kinh tế cho thế hệ trẻ như mình vươn lên và tiếp tục phấn đấu.

 Và đến thế hệ mình, có lẽ đại dịch này sẽ là khoảnh khắc định hình ấy. Liệu chúng ta sẽ dũng cảm đương đầu với nó bằng sự kiên trì, dũng cảm, yêu thương, đoàn kết, hay chúng ta sẽ để cái tôi, sự ích kỷ, sự hèn mọn, ti tiện và sự yếu đuối của bản thân khuất phục? Câu trả lời ấy tùy thuộc vào từng người trẻ chúng ta, bất luận là du học sinh hay không”.

Cuối cùng Vũ Hiếu gửi lời nhắn nhủ tới các bạn: Với tư cách là một du học sinh, mình hy vọng những bạn còn chê bai hãy suy nghĩ tích cực hơn, thấu đáo hơn. Mình chỉ mong các bạn hãy tích cực cách ly, đó cũng là cách các bạn đã góp sức trong cuộc chiến chống đại dịch quy mô toàn cầu này.

 Vì mình và các bạn đang được sống tại một đất nước rất kỳ lạ nhưng cũng rất tuyệt vời”.

Trước những dòng chia sẻ của học trò cũ, thầy Nguyễn Văn Sỹ, đang công tác tại một trường quốc tế ở TP.HCM, cho biết thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch do dịch COVID-19 gây nên. Nhưng chúng ta vẫn đang đồng lòng và dũng cảm chiến đấu để giảm thiểu sự lây lan đến mức thấp nhất với hy vọng trong một thời gian không lâu nữa, đại dịch sẽ chấm dứt.

Để làm được điều đó, đòi hỏi tất cả chúng ta từ lớn tới bé, từ nông thôn đến thành thị đều đồng lòng chung sức và tuân thủ khuyến cáo, quy định của WHO, của các cơ quan công quyền và cơ quan y tế để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội.

Đóng một vai trò nòng cốt trong nêu cao tinh thần phòng, chống dịch là thế hệ trẻ như bạn Vũ Hiếu, một thế hệ khỏe về thể chất, mạnh về trí tuệ và thể hiện tốt vai trò, ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Hy vọng chia sẻ của Hiếu sẽ là động lực, là nguồn động viên mọi người cùng cố gắng nỗ lực trong việc ý thức phòng, chống dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm