Kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2020)

Đoàn kết, đồng lòng trong cuộc chiến chống COVID-19

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước (30-4-1975–30-4-2020), Pháp Luật TP.HCM có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM về tinh thần đoàn kết của dân tộc ta trong thời cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. 

 . Phóng viên: Ông đã từng khẳng định bài học to lớn làm nên mốc son lịch sử chói lọi của đại thắng Mùa Xuân 1975 là tinh thần đại đoàn kết của dân tộc ta. Vậy hôm nay, tinh thần đó được thể hiện như thế nào, thưa thiếu tướng?

+ Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương: 45 năm sau ngày thống nhất đất nước, Nhân dân Việt Nam càng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Trong thời hòa bình hiện nay, tôi tin rằng tinh thần đó càng được phát huy rõ nét. Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng một điều rõ ràng là niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã được củng cố qua mỗi thách thức, để đưa đất nước ngày càng phát triển. 

Biểu hiện rõ nhất về sự đoàn kết là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của nước ta hiện nay. Đảng nói dân nghe, Chính phủ nói dân nghe. Người dân vẫn tin tưởng vào người lãnh đạo và niềm tin đó rõ ràng lắm. Dân tin thì Đảng làm việc mới có hiệu quả. 

Có thể nói, với những quyết sách của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã bước đầu chống dịch thành công. Cũng trong cuộc chiến này, đất nước cũng không để ai bị bỏ lại phía sau, vừa lo cho người dân trong nước, vừa lo cho kiều bào ở nước ngoài. Khi họ từ nước ngoài trở về, đất nước luôn sẵn sàng giang tay đón nhận họ.

Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ ở Trường Quân sự Quân khu 7 hỗ trợ người dân trong sinh hoạt những ngày cách ly tập trung do dịch COVID-19. Ảnh: THANH TUYỀN

Tại TP.HCM, hưởng ứng lời kêu gọi của cấp chính quyền, cả xã hội đã cùng chung tay giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… TP.HCM xuất hiện ATM gạo rồi sau đó được lan tỏa đến khắp các tỉnh, thành.

Anh em trong Hội Cựu chiến binh chúng tôi, ai có nhà trọ thì giảm tiền nhà trọ cho công nhân, người lao động nghèo, các nữ cựu chiến binh thì vận động làm từ thiện... Đó là sự chung tay của cả xã hội mà nếu không có sự đoàn kết thì không thể làm được. 

. Tinh thần đại đoàn kết, sự tin tưởng ấy, bắt nguồn từ đâu thưa thiếu tướng?

+ Điều này bắt nguồn từ lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam như Bác Hồ đã nói: "Dân ta có lòng yêu nước nồng nàn". Mỗi khi đất nước lâm nguy nhân dân ta luôn đoàn kết một lòng, tạo nên nội lực cho chính đất nước. 

Trong dịch COVID-19 vừa qua, Chính phủ đã có những chỉ thị, mệnh lệnh kịp thời và sát với thực tế. Người dân cũng đã nghiêm chỉnh chấp hành theo sự chỉ đạo của Nhà nước như ra đường đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập… trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Với cách nhìn nhận của người lính từng trải qua chiến tranh, trải qua gian khổ, tôi tin tưởng với sự gắn kết của Đảng và nhân dân như hiện nay đất nước mình sẽ tiến lên, kể cả đối với việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

. Đến hôm nay, Việt Nam đã có những thành công bước đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đất nước bắt đầu chuyển qua trạng thái mới, vừa sống chung với dịch vừa bắt đầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông, chúng ta cần phát huy tinh thần đoàn kết ấy trên mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế? 

+ Tôi nghĩ rằng cần tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết của cả đất nước. Cả chính phủ và người dân cùng đồng lòng thì sẽ tạo ra những bước ngoặt mới.

Tôi tin rằng chúng ta sẽ có những kết quả sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Bởi hiện nay Chính phủ đã có những bước triển khai trong giai đoạn mới như nới lỏng giãn cách xã hội, khởi động lại các hoạt động kinh tế nhằm khôi phục sản xuất bị gián đoạn trong thời gian vừa qua.

Còn về phía người dân hãy tiếp tục thể hiện sự đoàn kết và cảnh giác trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nhưng trước hết phải tuân thủ theo sự lãnh đạo của chính quyền, tuân thủ đúng luật pháp...

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng làm kinh tế, quản lý xã hội phải phát huy tối đa khả năng cũng như nâng cao trách nhiệm của mình, để trong thời gian ngắn nhất có thể ổn định lại đời sống và nối kết với các hoạt động của quốc tế.

. Xin cám ơn ông.

Tình quân với dân như cá với nước

Nói về vai trò tiên phong của lực lượng quân đội Việt Nam nhất là trong cuộc chiến chống COVID-19, Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương cho rằng Quân đội Việt Nam là quân đội kiểu mới, do Đảng và Nhà nước xây dựng, lãnh đạo, giáo dục và trưởng thành. Cũng theo Thiếu tướng Chương, bản chất truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam là do dân, vì dân nên luôn đồng hành với dân, hành động rất nhanh nhẹn, không chần chừ và không e dè.

Thiếu tướng Chương cho hay: Quân đội là những đơn vị được tổ chức chặt chẽ, có hệ thống doanh trại khắp trên cả nước, sẵn sàng xây dựng bệnh viện dã chiến, nhường doanh trại của mình để hình thành khu vực cách ly cho người dân. Từ Bắc tới Nam, từ Quân khu 1, Quân khu 2… cho đến miền Nam, Quân khu 7, Quân khu 9 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Rồi hình ảnh những chiến sĩ biên phòng nhường doanh trại của mình ra cắm trại, sống và sinh hoạt ở ngoài rừng để nhường doanh trại cho người dân.

Bên cạnh đó, giữa quân đội và nhân dân ta nhiều năm nay đã cùng nhau xây dựng một hệ thống quân dân y kết hợp, cho phép ứng phó nhanh trong thời bình cũng như thời chiến, cứu hộ cứu nạn trong mọi điều kiện khi cần thiết.

Và ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, đội ngũ quân y đã có sự kết hợp rất nhịp nhàng mà không bị động hay gặp trở ngại gì.

Tất cả điều này thể hiện sự phối hợp rất ăn ý, đồng bộ và chặt chẽ của lực lượng quân đội Việt Nam, bắt nguồn từ bản chất của quân đội là do dân và vì dân, sẵn sàng trong mọi tình huống.

Thiếu tướng Chương còn chia sẻ thêm: Đa số anh em cựu chiến binh đảm nhiệm các nhiệm vụ ở địa phương nên khi dịch COVID-19 bùng phát, mọi người luôn luôn gương mẫu chấp hành không ai vi phạm và luôn luôn hưởng ứng lời kêu gọi của TP.HCM trong việc giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm