Bệnh nhân chạy thận Đà Nẵng: “Các bác sĩ cố lên!”

Gần 9 giờ sáng, anh Sơn (quận Sơn Trà) và hàng chục bệnh nhân tập trung tại chốt chặn đoạn đường Quang Trung giao với Đống Đa (quận Hải Châu) để chờ xe của Bệnh viện Đà Nẵng đưa vào chạy thận.

“A, chào điều dưỡng. Bữa ni vẫn ổn chứ, giữ gìn sức khỏe nghen?”- anh Sơn vẫy tay rồi cất tiếng gọi hai nhân viên y tế đang mặc đồ bảo hộ kín mít.

“Trực chiến từ thứ Bảy đến giờ, mệt xíu nhưng bò húc (một loại nước uống– PV) thì cứ liên tục thôi”- nhận ra "người quen" của khoa, anh nhân viên y tế tếu táo đáp. Họ kịp trao nhau nụ cười trước khi nam nhân viên y tế quay lại công việc đưa các bệnh nhân lên xe. 

"Coi bộ còn chọc giỡn được là mừng đó. Mỗi khi dịch bệnh thì họ là người vất vả nhất, thương lắm mà không biết sao. Chỉ biết động viên là các y bác sĩ bên trong bệnh viện hãy cố lên!"- anh chia sẻ.

Bệnh nhân chạy thận Đà Nẵng: “Các bác sĩ cố lên!” ảnh 1

Anh Sơn tranh thủ hỏi thăm sức khỏe nhân viên y tế Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Đà Nẵng). Ảnh: T.AN

Anh Sơn mới 30 tuổi nhưng phải chạy thận từ bốn năm nay. Mỗi tuần, anh đều đặn vào bệnh viện hai lần nên với anh các nhân viên y tế Khoa Thận nhân tạo từ lâu đã thân quen như người trong nhà.  

 “Ông kia sinh năm 88 có vợ rồi nè, còn ông này sinh năm 90 thì chưa vợ. Họ là điều dưỡng trong khoa nên mình hay nói chuyện, chỉ cần nhìn mắt là nhận ra ngay”- anh Sơn cười. 

Bệnh nhân chạy thận được đưa vào bệnh viện điều trị và ở đó cho đến khi bệnh viện dỡ bỏ phong tỏa. Ảnh: T.AN

Hôm nay là ngày đầu tiên Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, các tuyến đường dẫn vào khu vực Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình và Phục hồi chức năng cũng bị phong tỏa hoàn toàn để chống dịch.

Trước đó, Bệnh viện Đà Nẵng đã chuyển một số bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ sang các bệnh viện khác để giảm tải. Đối với những bệnh nhân chạy thận, trong sáng nay, bệnh viện đã bố trí xe chở vào trong viện để tiếp tục điều trị. 

Đa số bệnh nhân đã chuẩn bị tinh thần để thực hiện cách ly trong bệnh viện. Ảnh: T.AN

Bệnh nhân chỉ được vào một mình, riêng những người lớn tuổi thì có thêm một người thân chăm sóc. Những bệnh nhân này sẽ ở lại đây cho đến khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở bệnh viện. 

Có mặt ở đây từ sớm, chị Nguyễn Thanh Mai (42 tuổi, trú quận Thanh Khê) cho biết chồng chị phải chạy thận từ sáu năm nay. Mỗi tuần, chị đều theo chồng vào viện ba lần nhưng tâm trạng hôm nay thật khác. 

“Đêm qua hai vợ chồng đều thức trắng, bảy giờ sáng thì tôi đèo anh đến đây. Tôi có chuẩn bị quần áo, một ít đồ ăn nhưng chồng tôi ăn uống kém, bị bệnh khó ngủ nên có đôi chút lo lắng”- chị cho hay.

Bệnh nhân chạy thận và người nhà ngồi chờ ở chốt phong tỏa. Ảnh: T.AN

Theo ghi nhận của PV, gần 10 giờ vẫn có khá nhiều bệnh nhân đứng đợi ở chốt phong tỏa Quang Trung – Đống Đa. Có đôi chút mệt mỏi vì phải chờ lâu nhưng họ chấp nhận vì hiểu rằng các bác sĩ đang phải chạy đua với virus SARS-CoV-2 trong bệnh viện. 

“Cầu mong các y bác sĩ được bình an, khỏe mạnh. Người dân cũng cần bình tĩnh, đoàn kết, không được chủ quan và chấp hành nghiêm biện pháp chống dịch để tự bảo vệ mình. Vì mình an toàn thì mới có thể bảo vệ người khác được” – bệnh nhân Dương Thị Phúc (63 tuổi, quê Quảng Nam) cho hay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm