7 điều cần làm khi cách ly tập trung phòng COVID-19

Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo tất cả người nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ vào Việt Nam đều phải thực hiện cách ly tập trung từ thời điểm 0 giờ ngày 21-3.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những vấn đề liên quan khu vực cách ly tập trung, ThS-BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), phân tích rõ những vấn đề liên quan.

Mục đích thành lập và hoạt động khu cách ly y tế tập trung?

TP.HCM thành lập những khu cách ly y tế tập trung với mục đích cách ly kiểm dịch để kiểm soát nguồn lây nhiễm bệnh từ những nơi khác xâm nhập trong cộng đồng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Một trong những khu vực cách ly tập trung TP.HCM. Ảnh: HCDC

Ai phải thực hiện cách ly tập trung và có quyền từ chối không?

Thực hiện cách ly tập trung gồm những người có khả năng mắc bệnh COVID-19. Cụ thể, những người đã trở về hoặc từng đi qua vùng dịch ở một số quốc gia và hiện giờ thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh. Ngoài ra, một số người phải cách ly do có yếu tố tiếp xúc nguy cơ mắc bệnh.

Cách ly y tế tập trung nhằm kiểm soát sự lây nhiễm bệnh trong cộng đồng đã được quy định bởi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và cũng được làm rõ chi tiết trong Nghị định 101/2010/NĐ-CP. Do đó, những người đã được chỉ định cách ly y tế tập trung phải thực hiện quyết định cách ly. Nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định.

Khu cách ly y tế tập trung có gây ảnh hưởng đời sống người dân xung quanh?

Cách ly y tế tập trung là cách ly kiểm dịch những người chưa bị bệnh. Những người này chỉ có nguy cơ bị bệnh và được đưa vào khu cách ly để được giám sát sức khỏe. Từ đó phát hiện sớm nếu bị bệnh. Khi mắc COVID-19, bệnh nhân sẽ được đưa sang khu vực điều trị để kiểm soát nguồn lây.

Việc xây dựng khu cách ly y tế tập trung đòi hỏi có những quy định chung về vị trí, tường rào, cổng… để tránh sự ra vào của những người đang thực hiện cách ly và những người không phận sự.

Vận hành khu cách ly tập trung phải đảm bảo những quy định chung của Bộ Y tế. Chẳng hạn chỉ những nhân viên y tế được giao nhiệm vụ mới được phép tiếp xúc những người cách ly. Trong quá trình tiếp xúc, nhân viên y tế phải mang trang phục phòng hộ.

Người thực hiện cách ly cần làm gì để đảm bảo an toàn?

Trong khu cách ly tập trung luôn có những quy định dành cho nhân viên y tế cũng như người được cách ly.

Nội quy dành cho người được cách ly

Đối với người thực hiện cách ly, phải tuân thủ những nội quy như mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc những người xung quanh, không được ra khỏi khu vực cách ly, tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân…

Việc tuân thủ những quy định sẽ bảo vệ bản thân người thực hiện cách ly. Trong suốt quá trình cách ly, nếu có triệu chứng nghi ngờ bệnh phải báo ngay cho nhân viên y tế phụ trách để có những xử trí y tế kịp thời.

Đối với những người không thuộc diện cách ly tập trung, tuyệt đối không được vào khu vực cách ly. Tuân thủ đầy đủ những quy định ở khu cách ly sẽ góp phần kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm