65 ngày giành sự sống cho bệnh nhân 91

Chiều 22-5, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã chuyển bệnh nhân (BN) 91 mắc COVID-19 sang BV Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị theo chỉ đạo của Bộ Y tế, kết thúc 65 ngày dài giành lấy sự sống cho BN tại đây.

Khiến các y, bác sĩ nhiều lần thót tim

Hiện BN91 đã nhiều ngày âm tính với virus SARS-CoV-2, kết quả cấy virus bất hoạt nên được khẳng định đã khỏi COVID-19. Bên cạnh đó, chức năng phổi của BN đang cải thiện tốt, hoạt động được 30% so với tuần trước chỉ 10% nhưng vẫn còn phải lệ thuộc vào ECMO (hệ thống ôxy hóa máu, tuần hoàn ngoài cơ thể). BN đang được từng bước cai ECMO để có thể tiến tới tự thở.

Một mặt, Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vẫn hằng ngày hội chẩn trực tuyến, đề ra các phương án tối ưu để giữ mạng sống cho BN. Trường hợp phổi có diễn tiến xấu đi, ghép phổi là phương án cuối cùng.

BS Nguyễn Thanh Phong chia sẻ quá trình điều trị cho bệnh nhân 91 (trái) và mặc đồ bảo hộ trước khi vào phòng bệnh. Ảnh: HL

Trực tiếp điều trị cho BN91 từ những ngày đầu, BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa nhiễm D, chia sẻ trong cuộc đời nghề y, đây là BN có số ngày nằm viện kỷ lục và khiến ông cùng các đồng nghiệp nhiều lần hồi hộp, thót tim.

Trước đó, vào ngày 18-3, BV tiếp nhận viên phi công người Anh (43 tuổi) có lịch sử từng đến quán bar Buddha (quận 2). Những ngày đầu, tình trạng BN rất bình thường, chỉ mỗi khó ăn đồ ăn Việt Nam do lạ khẩu vị. BV phải liên lạc với hãng hàng không Vietnam Airlines, nơi BN làm việc, để nhờ hỗ trợ đặt thức ăn riêng. Khi BN bắt đầu ăn ngon miệng thì hai ngày sau tình trạng suy hô hấp tăng dần. BN được hoàn toàn nuôi ăn qua đường tĩnh mạch vì phải thở ôxy qua mũi, mặt nạ rồi đến thở máy xâm lấn và cuối cùng là phải can thiệp ECMO từ ngày 6-4.

BN có thể trạng béo phì khi cao 1,81 m, nặng 100 kg. Trong quá trình điều trị, hệ miễn dịch của BN đã phản ứng quá mức khi bị virus tấn công làm sản sinh ra chất cytokine chống lại chính cơ thể gọi là cơn bão cytokine, đặc biệt tấn công phổi gây tổn thương nặng nề.

Theo BS Phong, các BN thở máy có nhiều nguy cơ tử vong, hiếm ai cầm cự quá 10 ngày đến nửa tháng nhưng BN91 thở máy kéo dài hơn một tháng đã là một kỳ tích.

Chiều 22-5, BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận BN91 về tiếp tục điều trị. Ảnh: HL

BS Phong cho biết quá trình điều trị cho BN, BV gặp muôn vàn khó khăn khi phải vừa điều trị, vừa mày mò học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ gặp hội chứng cơn bão cytokine, BN còn bị rối loạn đông máu do COVID-19, đồng thời mắc thêm hội chứng HIT - giảm tiểu cầu do dị ứng với thuốc chống đông heparin được dùng khi chạy ECMO.

Do đó, đội ngũ gồm các chuyên gia hồi sức, huyết học, truyền nhiễm hàng đầu của BV Bệnh nhiệt đới và BV Chợ Rẫy hội chẩn quyết định cho BN chuyển qua dùng thuốc kháng đông qua đường tĩnh mạch của Đức.

Do thuốc chưa từng được sử dụng ở Việt Nam, Bộ Y tế phải làm thủ tục nhập khẩu cũng phải mất 10 ngày. Trong 10 ngày chưa có thuốc phải làm thế nào? Một lần nữa, các bác sĩ như “đi trên dây” khi cho BN dùng tạm loại thuốc chống đông, ít ảnh hưởng rối loạn đông máu của Việt Nam chưa từng có trong phác đồ. “Đến ngày thứ tám, thứ chín sau khi dùng loại thuốc này, BN bắt đầu có biểu hiện lộn xộn thì may quá, ngày thứ 10 thuốc kháng đông tĩnh mạch về và sử dụng cho BN tạm ổn định. Chưa từng có BN nào mà phải sử dụng hầu hết “món” của hồi sức cấp cứu như BN91” - BS Phong kể.

Chưa hết, khi đang được kiểm soát chức năng hô hấp, BN đột ngột rơi vào tình trạng tràn khí màng phổi, đặt ống dẫn lưu khí nhưng lại ra máu do đặc điểm của virus SARS-CoV-2 là gây rối loạn đông máu. Tiếp sau đó, nhiều lần BN âm tính rồi lại dương tính với virus này. Về sau, kết quả cấy virus mới khẳng định BN âm tính hoàn toàn, không cần phải xét nghiệm nhiều lần nữa, có khả năng đó chỉ là xác virus.

Hy vọng bệnh nhân sẽ không cần ghép phổi

BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, lo ngại do lâu ngày thở máy, chức năng thận của BN cũng kém đi. Còn chức năng phổi nếu cải thiện hoạt động được 40%-50% thì có thể BN sẽ sống được bằng chính phổi của mình và không cần ghép nữa. 

Túc trực 24/24 chăm lo cho bệnh nhân

Trực tiếp chăm sóc cho BN91, chị Phạm Thị Tuyến, điều dưỡng trưởng Khoa nhiễm D, chia sẻ ban đầu tiếp nhận BN, chị không nghĩ thời gian BN ở lại sẽ kéo dài đến vậy. Riêng chị, trong thời gian chăm sóc cho BN91, 1,5 tháng chị không về nhà, chỉ về khách sạn được bố trí nhưng may mắn, việc nhà chị có người thân quán xuyến. Tuy nhiên, chị cho hay có trường hợp chồng của một nữ điều dưỡng phải xin nghỉ hẳn công việc để lo việc nhà cho vợ yên tâm công tác khi được phân công chăm sóc BN91.

Điều dưỡng Phạm Thị Tuyến (trái) và điều dưỡng Huỳnh Thị Kim Huệ (phải) chia sẻ quá trình chăm sóc cho bệnh nhân 91. Ảnh: HL

Chị Tuyến chia sẻ do bất đồng ngôn ngữ, văn hóa nên lúc đầu chị gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục BN hợp tác. Kể từ khi BN bắt đầu quen và hợp tác thì tình trạng BN lại trở nặng khiến ai nấy đều buồn. Các điều dưỡng phải thay phiên nhau 24/24 có mặt ở trong phòng bệnh để canh chừng BN. Ở trong bộ đồ bảo hộ kín mít, phòng bệnh có máy lạnh nhưng khi bước ra phòng bệnh, ai nấy đều ướt đẫm mồ hôi. “Mỗi ngày ai cũng chờ đợi kết quả xét nghiệm của BN. Tình trạng có tiến triển thì mừng lắm” - chị Tuyến tâm sự.

Điều trị hơn một tháng tại Khoa nhiễm D, BN tiếp tục được chuyển Khoa cấp cứu hồi sức tích cực chống độc người lớn. Chị Huỳnh Thị Kim Huệ, điều dưỡng Khoa nhiễm D, trực tiếp chăm sóc BN91, chia sẻ ngày nào chị cũng xuống thăm BN91.

Chị Huệ nhớ lại ban đầu BN không hợp tác, không ăn uống được có lẽ do mệt và không có cảm giác ngon miệng như hầu hết các BN mắc COVID-19.

Do BN to lớn và đặt nhiều máy móc, nối dây nhợ xung quanh nên mỗi lần vệ sinh, lau mát cho BN phải có bốn người thay tấm trải giường và làm cẩn thận để không làm sút các dây nối. “Hồi nào giờ tôi chăm sóc BN thở máy, lọc máu đơn giản hơn nhiều. Đây là lần đầu tiên tôi chăm sóc một BN chạy ECMO với sợi dây rất to không tưởng tượng được cắm vào người để rút máu ra chạy rồi trả về cơ thể, lỡ quá trình chăm sóc mà làm sút dây ra thì không biết phải làm thế nào nên rất căng thẳng” - chị Huệ chia sẻ.

Lưu luyến, sẵn sàng hỗ trợ điều trị tiếp

Gắn bó với BN hơn hai tháng trời, BS Phong chia sẻ cảm giác buồn khi không tiếp tục đồng hành chăm sóc cho BN và hy vọng sức khỏe BN sẽ cải thiện. “Dù BN đã chuyển viện nhưng tôi vẫn ở trong nhóm điều trị để sẵn sàng hỗ trợ. BV Chợ Rẫy là tuyến sau cùng, chuyên tiếp nhận các ca bệnh nặng. Tôi tin tưởng họ sẽ làm tốt vai trò còn lại” - BS Phong tin tưởng.

Tương tự, giờ đây không còn chăm sóc và có cơ hội thăm BN ở BV, điều dưỡng Huệ tâm sự hằng ngày đều cầu mong cho viên phi công sức khỏe tiến triển ổn định để không phải chịu thêm một thử thách ghép phổi quá lớn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm