22 khách Hàn Quốc đòi ở khách sạn khi cách ly: Có sự cả nể?

Tối 24-2, thông tin về việc nhiều người trong số 22 du khách từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng bị các cơ quan chức năng giữ lại ở Đà Nẵng để thực hiện cách ly tại BV Phổi 1 không đồng ý cách ly tại bệnh viện khiến nhiều người bức xúc.

Các du khách này đều không có biểu hiện ho, sốt và nghi nhiễm COVID-19 nhưng do đến từ vùng dịch nên họ thuộc diện phải cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. Tuy nhiên, họ cho rằng đến Đà Nẵng để tham quan du lịch chứ không đến để vào khu cách ly.

Do đó, các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã họp và đồng ý phương án đưa họ về một khách sạn để tiến hành cách ly theo quy định. Nhưng do khách sạn chưa chuẩn bị xong nên tối 24-2, hơn 20 khách Hàn Quốc vẫn phải ở lại BV Phổi.

Ý kiến bức xúc của dư luận về việc du khách Hàn Quốc không đồng ý cách ly tại bệnh viện. Ảnh chụp màn hình

Tại cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 do Bộ Y tế chủ trì diễn ra sáng 25-2 tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế) đánh giá cách xử lý của chính quyền ở Đà Nẵng là phù hợp.

TS Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), nêu quan điểm không có chuyện thương lượng đối với những người thuộc diện bắt buộc bị cách ly.

“Trước khi cách ly thì chúng ta báo cho Bộ Ngoại giao để thông báo đến đại sứ quán, lãnh sứ quán, về chuyện chúng ta sẽ cách ly họ. Những đối tượng bắt buộc cách ly, chúng ta sẽ cách ly, không có chuyện thương lượng. Như sáng nay các tờ báo mạng đưa tin là du khách từ Daegu và khu Bắc Gyeongsang đòi ở khách sạn ba, bốn sao là không có. Cái này là cưỡng chế cách ly” - ông Khoa thông tin.

Bổ sung thêm, PGS-TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), bày tỏ quan điểm du khách từ vùng dịch như Daegu (Hàn Quốc) đến Đà Nẵng có nguy cơ bị nhiễm bệnh chứ chưa phải là người bệnh nên cần có cách tuyên truyền sao cho họ hiểu. Mặt khác, việc cách ly du khách Hàn Quốc đến từ vùng dịch mới chỉ thực hiện nên họ bỡ ngỡ hoặc chưa hiểu là điều bình thường.

PGS Doãn Ngọc Hải kể thời gian đầu thực hiện việc cách ly ở tâm dịch Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), nhiều người dân phản đối kịch liệt, thắc mắc tại sao phải vào khu cách ly. Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, người dân cũng hiểu ra việc cách ly là cần thiết và yên tâm chấp hành.

Các đại biểu thông tin về tình hình dịch COVID-19 sáng 25-2. Ảnh: HL

PGS Doãn Ngọc Hải cho rằng du khách Hàn Quốc phản ứng khi bị buộc cách ly là đương nhiên và yêu cầu được đáp ứng các điều kiện như cách ly tại khách sạn là bình thường. Ngược lại, các cơ quan chức năng cũng có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu ở mức cao nhất có thể cho họ.

Điều này cũng phù hợp với tâm lý của một du khách trong tâm thế đến nước khác để đi du lịch bất ngờ bị buộc cách ly và còn thiếu thông tin về việc này. Do đó, để người ta thực hiện theo yêu cầu của mình thì đôi bên phải có sự trao đổi, nói chuyện qua lại. Việc nêu thông tin du khách đòi hỏi là chưa hiểu rõ bản chất vấn đề.

“Bây giờ anh đi du lịch, anh toàn ở năm sao (khách sạn - PV), bây giờ đi cách ly, hạ xuống thì phải ba sao chẳng hạn cứ cho xuống một sao thì đương nhiên có việc người ta trao đổi... Trường hợp này mới thông báo xong (cách ly người đến từ vùng dịch ở Hàn Quốc - PV) mà họ sang họ không biết. Nếu họ biết thì đã ở nhà. Do thiếu thông tin nên họ phải hỏi rất rõ, hiểu rồi thì sẽ hợp tác thôi... Người bệnh đương nhiên thì không được vào ở khách sạn rồi” - PGS Doãn Ngọc Hải lý giải.

Khu vực cách ly các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 tại BV Phổi Đà Nẵng. Ảnh: TÂM AN

Ông Doãn Ngọc Hải cũng bày tỏ quan điểm chống dịch là không có ngoại lệ, biện pháp cách ly được thực hiện như nhau nhưng tùy theo quốc gia, có chỗ lấy khách sạn năm sao cho ở, có chỗ cho vào cách ly tại bệnh viện. Đặc biệt chính quyền địa phương phải chỉ định tính toán chỗ cách ly phù hợp, quản lý được, đảm bảo không để dịch bệnh lây lan.

Tại buổi thông tin về tình hình dịch COVID-19, TS Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành áp dụng khai báo y tế đối với tất cả khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc. Những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở và những người đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang đều bắt buộc phải được cách ly y tế kịp thời.

Cụ thể, những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Daegu và khu Bắc Gyeongsang, hai tâm dịch lớn nhất của Hàn Quốc hiện nay trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh, phải được cách ly tại khu cách ly tập trung của các tỉnh, thành phố. Đối với những người nhập cảnh từ khu vực khác ngoài Daegu và khu Bắc Gyeongsang thì khuyến cáo tự theo dõi sức khỏe, đến ngay cơ sở y tế để được cách ly, điều trị nếu có các dấu hiệu về hô hấp.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị rà soát các trường hợp nhập cảnh từ Hàn Quốc, đặc biệt là các trường hợp đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 9-2 để thực hiện giám sát tại các địa phương, theo dõi y tế và kịp thời cách ly theo hướng dẫn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm