COVID-19: NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG

Nghĩa tình - một thương hiệu của người Sài Gòn

Gần một tháng qua, TP.HCM vẫn đang trong thời gian giãn cách xã hội. Điều này kéo theo một số nơi bị phong tỏa, nhiều người lao động bị mất việc, mất nguồn thu nhập.

Báo Pháp Luật TP.HCM những ngày qua đã liên tục có những bài phản ánh về các nhóm thiện nguyện, cá nhân và doanh nghiệp có nhiều cách hỗ trợ những người dân đang gặp khó khăn, mong họ vững vàng vượt qua đại dịch.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, để có cái nhìn tổng thể về những hoạt động này.

Nghĩa tình của người TP lúc nào cũng đong đầy

. Phóng viên: Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về những hoạt động từ thiện, hỗ trợ người dân các tỉnh, thành và TP.HCM bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đợt dịch lần này?

+ Phan Kiều Thanh Hương: Đợt này, trên địa bàn TP.HCM liên tục phát hiện nhiều ca lây nhiễm COVID-19 từ cộng đồng. Để thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh lây lan, đã có một số khu vực bị phong tỏa và giãn cách xã hội. Việc này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến đời sống của người dân TP.

Trước những khó khăn này, nhân dân TP lại càng thể hiện rõ nghĩa tình với nhau. Cụ thể, trong những ngày vừa qua, tại TP có rất nhiều cá nhân, nhóm từ thiện đã có nhiều cách khác nhau hỗ trợ người dân. Người bỏ công làm ra những món ăn, thức uống; người góp tiền; người có hàng hóa thì ủng hộ hàng hóa để cùng lực lượng chức năng hỗ trợ người dân bị cách ly hay người nghèo khó; người có cây xanh thì cùng góp để tặng cho người ở khu vực phong tỏa, mong họ vui vẻ vượt qua thời gian khó khăn này…

Cách hỗ trợ đợt này bài bản hơn với nhiều tên gọi như siêu thị 0 đồng, gian hàng 0 đồng, chuyến xe nghĩa tình, ATM gạo tuôn tràn… Với những việc làm ấy, càng minh chứng rằng nghĩa tình đã là một thương hiệu của người dân TP.

Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, chọn hàng hóa phục vụ người dân tại “Siêu thị nghĩa tình Thủ Đức” vào sáng 5-6. Ảnh: CTV

. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cũng như chính quyền địa phương đã có cách nào để cho việc làm từ thiện của các cá nhân, tổ chức thêm phần hiệu quả và đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19?

+ Trên tinh thần không để người dân gặp khó khi cách ly, MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức chính trị xã hội cùng nhau thực hiện công tác chăm lo cho người dân bằng nhiều cách khác nhau.

Cụ thể như việc kết nối với các cá nhân, tổ chức từ thiện nấu, phát những bữa ăn hằng ngày. Hay như việc lập nhóm Zalo kết nối người dân trong khu cách ly để thông báo hôm nay gian hàng từ thiện có những gì. Từ đó, người trong khu cách ly chọn và sẽ có người mang đến tận nơi… Ngoài ra, người dân khác nếu ai gặp khó khăn thì cũng sẽ có những đầu mối kết nối hỗ trợ. Tất cả hoạt động từ thiện đều phải đảm bảo sự an toàn phòng chống dịch của cơ quan y tế.

Vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức ra đời siêu thị nghĩa tình nhằm đi chợ giúp người dân mùa dịch COVID-19. Lãnh đạo và đại diện các đoàn thể, đơn vị đã đi chợ mua đồ dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, gia vị... đóng gói và phân phối miễn phí đến các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ khó khăn bị ảnh hưởng do dịch đang thực hiện cách ly y tế.

Nhiều cá nhân, tổ chức ủng hộ mua vaccine phòng dịch

Hiện nay Quỹ phòng chống dịch COVID-19 TP đã tiếp nhận số tiền hơn 304 tỉ đồng. Trong đó, tiền mặt là hơn 202 tỉ đồng, hàng hóa và trang thiết bị là hơn 102 tỉ đồng. Hiện đã phân phối tiền, hàng trị giá gần 206 tỉ đồng cho người dân gặp khó khăn và tuyến đầu phòng chống dịch.

Về ủng hộ mua vaccine phòng dịch COVID-19, hiện nay đã có 105 đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ số tiền hơn 2.293 tỉ đồng.

Bà PHAN KIỀU THANH HƯƠNG
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM 

Tiếp nhận, phân phối quỹ công khai, minh bạch

. Trong quá trình tiếp nhận hỗ trợ, bà cảm nhận như thế nào về những nghĩa cử cao đẹp của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP?

+ Tôi rất trân trọng những tấm lòng hảo tâm của người dân TP bởi đằng sau số tiền đóng góp là những câu chuyện rất nhân văn. Đó là tấm lòng của một giáo viên về hưu đã dành tiền hưu trí của mình để đóng góp, hay một em nhỏ học sinh mang cả ống heo để dành của mình ra ủng hộ… và còn nhiều câu chuyện cảm động khác nữa.

Ngoài ra, dù một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ tiền cho quỹ mua vaccine phòng dịch. Điều này thể hiện trách nhiệm của cá nhân, tổ chức với cộng đồng.

Nông sản do các nhóm từ thiện gửi đến đang được cán bộ phường 12, quận Gò Vấp phân phát đến những người dân đang gặp khó khăn do dịch COVID-19. Ảnh: NH

. Ngoài những cá nhân, tổ chức hỗ trợ một cách tự phát thì việc thực hiện quyên góp, hỗ trợ thông qua MTTQ Việt Nam TP.HCM cho người dân vùng dịch được thực hiện như thế nào?

+ Hiện nay việc tiếp nhận đóng góp thông qua Ủy ban MTTQ sẽ có các hình thức như chuyển khoản hoặc tiếp nhận trực tiếp bằng tiền mặt, hàng hóa. Tiền mặt thì người dân có thể đóng tại các hệ thống Ủy ban MTTQ Việt Nam ở các quận, huyện, TP Thủ Đức. Sau khi tiếp nhận, các nơi sẽ chuyển về đầu mối là cơ quan MTTQ Việt Nam TP.HCM.

Việc phân phối nguồn hỗ trợ được công khai, có quy chế rõ ràng.

Trên website của MTTQ Việt Nam TP.HCM cũng có kết nối với cổng thông tin điện tử TP ở địa chỉ http://ubmttq.hochiminhcity.gov.vn, ai ủng hộ hàng hóa nào, số tiền bao nhiêu sẽ được công bố công khai, minh bạch.

. Xin cám ơn bà.

Lúc khó khăn càng thấy hết nghĩa tình

Nghĩa tình - một thương hiệu của người Sài Gòn ảnh 3

Ông ĐỖ AN NHÀNChủ tịch UBND phường 12, quận Gò Vấp:

Nhìn người dân giúp nhau thật ấm lòng

Trong đợt dịch COVID-19 thứ tư, các ca nhiễm ở quận Gò Vấp tăng rất nhanh. Việc phát hiện nhiều ca nhiễm ở địa bàn đã khiến nhiều nơi bị phong tỏa để phòng chống dịch. Ở phường 12 cũng có nhiều con hẻm bị phong tỏa. Việc phong tỏa được thực hiện nhanh đến nỗi khiến nhiều người dân bất ngờ không kịp chuẩn bị gì. Trước tình hình ấy, những người dân nằm trong khu vực phong tỏa đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của người dân bên ngoài từ việc chăm lo từng bữa cơm đến việc đi chợ mua những vật dụng thiết yếu. Ban ngành đoàn thể ở phường cùng các nhà hảo tâm đã phối hợp chặt chẽ với nhau để chăm lo cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.

Đã có hàng trăm suất quà, tiền mặt, cùng các thực phẩm như gạo, trứng, nước uống… được trao tận tay người dân. Từ những hoạt động từ thiện ở địa phương, chẳng những người dân thấy vui mà chúng tôi cũng thấy thật ấm lòng. 

N.HIỀN ghi

Nghĩa tình - một thương hiệu của người Sài Gòn ảnh 4

Chị HỒ HỒNG HẠNHcư dân chung cư Ehome 3, phường An Lạc, quận Bình Tân:

Người dân trong khu phong tỏa hỗ trợ cho nhau

Có sống trong những ngày chung cư Ehome 3 (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM) bị phong tỏa, tôi mới thấm hết nghĩa tình đồng bào. Bỏ qua những lo lắng, cư dân mỗi block cùng nhau lập ra một nhóm Zalo, nhà nào cần gì cứ thông tin lên sẽ nhận được sự hỗ trợ từ nhà khác. Block này san sẻ thức ăn cho block khác, kèm theo những lời động viên lạc quan.

Mọi người rủ nhau góp tiền vào quỹ chung để mua nhu yếu phẩm, ai có nhiều góp nhiều, không có thì khỏi góp. Nhu yếu phẩm mang về vẫn chia đều, nhà nào cần gì cứ lấy, không ai thắc mắc, so đo.

Mấy hôm trước, ngón chân tôi bị thương, sưng tấy, đau buốt nhưng không thể ra ngoài chữa trị. May thay, một nữ bác sĩ ở cùng chung cư biết thông tin, liên lạc và cho tôi thuốc uống giảm sưng. Cũng vị bác sĩ này, khi nghe tin em bé ở một block khác bị bệnh, đã xin ban quản lý chung cư được sang đó chữa bệnh cho bé.

Không ai mong dịch bệnh tới, không ai mong bị phong tỏa nhưng tình nghĩa đồng bào dành cho nhau trong những ngày này thật đáng để mỗi người chúng tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm sống vui, động viên nhau vượt qua đại dịch. 

NGỌC LÀI ghi 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

(PLO)- Đội bắt chó thả rông của UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM tiếp tục ra quân bắt giữ chó thả rông, không rọ mõm, xử phạt thêm nhiều trường hợp chủ nuôi vi phạm.

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.