Vựa kiểng, ngân hàng ‘xẻ thịt’ trụ sở ủy ban

Theo phản ánh của người dân, trụ sở UBND thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) tọa lạc trên khu đất rộng hàng ngàn m2. Trụ sở này nằm trong khuôn viên đất có mặt tiền rộng gần 40 m nhưng bị che lấp bởi trụ sở giao dịch của ngân hàng, quán cà phê và nơi trưng bày mua bán cây kiểng.

Choán mặt tiền trụ sở

Từ thông tin trên, phóng viên ghi nhận thực tế thì nơi chứa cây kiểng, quán cà phê và phòng giao dịch ngân hàng chiếm hơn 300 m2 của trụ sở UBND thị trấn Cờ Đỏ đã che khuất hoàn toàn khu nhà làm việc của UBND thị trấn. Chính việc các cơ sở kinh doanh, ngân hàng choán khu mặt tiền nên cổng ra vào trụ sở ủy ban bị “ép” qua một phía, chỉ rộng chưa đến 6 m. Thậm chí quán cà phê trong khuôn viên trụ sở ủy ban này còn trổ một cổng riêng ra mặt tiền để khách ra vào thuận tiện.

Một người dân khu vực cho biết các điểm kinh doanh, ngân hàng này “xẻ thịt” trụ sở thị trấn đã 2-3 năm nay mà không ai có ý kiến hay yêu cầu di dời. “Các điểm kinh doanh, trụ sở ngân hàng có quy mô lớn, nằm trong trụ sở cơ quan hành chính như vậy làm nơi làm việc của cơ quan công quyền trở nên thiếu tôn nghiêm” - người dân này bày tỏ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trụ sở UBND thị trấn rộng hơn 3.000 m2. Trong đó, quán cà phê, vựa cây kiểng nằm chễm chệ trong trụ sở thị trấn là của T., một cán bộ thuộc Huyện ủy Cờ Đỏ. Ông Bùi Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cờ Đỏ, cho biết: “Tôi vừa đi học về, lại mới nhận nhiệm vụ với lĩnh vực phụ trách là bộ phận một cửa nên không nắm rõ chuyện này”.

Trụ sở ngân hàng nằm chễm chệ trong khuôn viên đất UBND thị trấn Cờ Đỏ. Ảnh: GIA TUỆ

“Cho “ở nhờ” giúp đỡ cán bộ khó khăn”

Ông Hiếu đề nghị phóng viên gặp chủ tịch UBND thị trấn để nắm rõ sự việc. Tuy vậy, ông Hiếu cũng cho biết biết việc ngân hàng xây trụ sở làm việc trên đất trụ sở UBND thị trấn thì phải liên hệ với huyện vì chuyện này do huyện quyết định. Còn việc bán cà phê, kinh doanh cây kiểng trong khuôn viên trụ sở ủy ban là do một cán bộ có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên được tạo điều kiện để kinh doanh cải thiện đời sống. “Tuy vậy, trước thông tin người dân đặt vấn đề, tôi sẽ ghi nhận và tham mưu với Thường trực Đảng ủy, UBND thị trấn đồng thời xin ý kiến cấp trên để giải quyết” - ông Hiếu nói.

Trao đổi qua điện thoại, ông Lê Hoàng Giang, Chủ tịch UBND thị trấn Cờ Đỏ, nhìn nhận có chuyện bán cà phê, kinh doanh cây kiểng và đặt trụ sở giao dịch ngân hàng ngay trên đất khuôn viên trụ sở UBND thị trấn. “Tôi cũng vừa nhận nhiệm vụ tại thị trấn vài tháng nay nhưng đã nắm tình hình và đang có hướng giải quyết. Theo đó, trước mắt chúng tôi sẽ trao đổi với hộ kinh doanh cây kiểng, cà phê di dời trong thời gian sớm nhất vì sắp tới thị trấn sẽ xây lại cổng trụ sở. Còn trụ sở ngân hàng thì thị trấn sẽ xin ý kiến phía huyện để giải quyết. Bởi trước đây ngân hàng khó khăn trong việc tìm đất đặt trụ sở nên từ ý kiến của cấp trên, ủy ban đã chừa đất cho ngân hàng đặt tạm trong thời gian tìm chỗ xây dựng trụ sở” - ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang, UBND thị trấn hoàn toàn không cho thuê mướn, không thu bất cứ khoản nào từ hộ kinh doanh cà phê - vựa kiểng và ngân hàng.

“Phản ánh của người dân là đúng. Chúng tôi tiếp thu và sẽ tiến hành điều chỉnh để đảm bảo sử dụng trụ sở đúng công năng” - ông Giang khẳng định.

Đó là bình thường!

Khi phóng viên thắc mắc, nếu ông là người dân thì có suy nghĩ gì khi đến trụ sở ủy ban mà thấy cảnh mua bán cây kiểng, cà phê trong khuôn viên và án ngữ trụ sở thì ông Bùi Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cờ Đỏ, trả lời: “Đó là chuyện bình thường thôi. Vì cuộc sống mưu sinh của người dân, ủy ban tạo điều kiện cho người dân” (?!).

Tuy vậy, theo Nghị định 192/2013 (quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước...) thì việc cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng quy định sẽ bị phạt 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm