Vụ ‘tranh chấp ở chung cư Era Town’: Dân bức xúc còn chủ đầu tư nói mình đúng

Sau vụ xô xát tại khu dân cư Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM) vào ngày 3-1, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với người dân và cơ quan liên quan tìm hiểu vụ việc. Nhiều người dân chung cư cho biết họ rất bất bình với cách quản lý chung cư của chủ đầu tư là Công ty Đức Khải. Ngược lại chủ đầu tư thì cho rằng họ đang làm đúng quy định…

Người dân tố chủ đầu tư không minh bạch

Sáng 4-1, anh Trần Hữu Hùng (ở khu A, chung cư Era Town) cho biết đây là lần thứ chín người dân công khai phản đối chủ đầu tư với mong muốn chủ đầu tư đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của người dân.

Theo anh Hùng, tháng 4-2013, Công ty Đức Khải bàn giao căn hộ đầu tiên cho người dân. Lý ra theo quy định (Thông tư 08/2008 của Bộ Xây dựng), từ ngày bàn giao căn hộ đầu tiên cho đến 12 tháng sau, khi đã bàn giao trên 50% căn hộ thì chủ đầu tư phải tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị (BQT). Thế nhưng đến nay chủ đầu tư không hề thực hiện khiến việc quản lý chung cư rất khó khăn.

Một vấn đề nữa là phí quản lý, bảo trì nhà cũng khiến người dân bức xúc. Ông Nguyễn Hồng Việt (ở khu B2) nói: “Ban đầu, chủ đầu tư không công khai. Nhưng sau đó, người dân đấu tranh quá nhiều nên chủ đầu tư có công khai nhưng đây cũng chỉ thể hiện ý chí chủ quan của chủ đầu tư chứ không có một đơn vị độc lập nào đứng ra kiểm toán các khoản chi tiêu. Điều này khiến người dân không đồng tình mà tiếp tục đấu tranh”.

Theo người dân, chủ đầu tư đã trưng dụng hơn 9 tỉ đồng phí bảo trì trong tổng số hơn 47 tỉ đồng mà người dân đã nộp. Điều này đẩy bức xúc của người dân lên đỉnh điểm vì ai cũng biết rằng phí bảo trì chỉ được sử dụng để bảo trì chung cư và chỉ được sử dụng sau 60 tháng (tức năm năm) dưới sự đồng ý của cư dân sinh sống, kèm với hợp đồng sửa chữa. Phía chủ đầu tư tự ý sử dụng 9 tỉ đồng phí bảo trì là không đúng.

Ban liên lạc cư dân chung cư Era Town cho biết đã 200 lần gửi đơn cầu cứu lên cơ quan chức năng nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải, trao đổi với báo chí chiều 4-1. Ảnh: CT

Chung cư Era Town hiện còn tồn tại nhiều mâu thuẫn nặng nề giữa người dân và chủ đầu tư. Ảnh: NT

Đang tiến hành bầu BQT

Tuy nhiên, trao đổi với PV chiều 4-1, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải, khẳng định: “Công ty Đức Khải không sai điều nào trong hai vấn đề mà một số cư dân đang khiếu nại như cho rằng chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư và không tổ chức bầu BQT chung cư”.

Ông Lâm cho hay tổng quỹ phí bảo trì chung cư Era Town rất lớn, khoảng 50 tỉ đồng. Theo quy định, khoản phí này do chủ đầu tư giữ để thực hiện công tác bảo trì và sẽ bàn giao cho BQT chung cư khi đơn vị này được thành lập. Trong thời gian này, do Era Town chưa có BQT chung cư nên việc chủ đầu tư giữ số phí trên là đúng. “Nếu yêu cầu bàn giao phí bảo trì thì sẽ bàn giao cho ai? Ai đủ tư cách pháp lý để giữ số tiền lớn như vậy và đảm bảo an toàn cho quyền lợi của nhiều cư dân tại đây?” - ông Lâm đặt vấn đề. Ông Lâm khẳng định việc thu chi, lãi ngân hàng… từ phí bảo trì đã được báo cáo các cơ quan chức năng và niêm yết công khai và rộng rãi tại chung cư cho mọi cư dân biết.

Về ý kiến khiếu nại công ty không tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra BQT chung cư, ông Lâm cho rằng công ty cũng không làm sai. Theo ông, thời điểm chung cư được đưa vào sử dụng theo Thông tư 08 không phải là lúc bàn giao nhà thực tế cho các hộ đã mua bởi đây chỉ là thời điểm bàn giao nhà theo hợp đồng mua bán. Theo ông, thời điểm chung cư đưa vào sử dụng theo luật là sau khi có kết luận nghiệm thu công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng của Bộ Xây dựng, tức vào tháng 10-2014.

“Kể từ tháng 8-2015 đến nay, chúng tôi liên tục thực hiện những công việc để bầu BQT chung cư, như lấy ý kiến về quy chế bầu cử, ứng cử BQT chung cư… Muốn thành lập BQT thì phải có quy chế. Việc tổ chức hội nghị nhà chung cư và thành lập BQT đang được thực hiện theo trình tự thủ tục được luật quy định nên không thể nói công ty làm sai” - ông Lâm giải thích.

Chủ đầu tư đang tuân thủ chỉ đạo của quận

Cũng trong ngày 4-1, Pháp Luật TP.HCM cũng đã liên hệ với phía Sở Xây dựng nhưng người có trách nhiệm bận công tác nên chưa thể cho ý kiến.

Trong khi đó, một lãnh đạo UBND quận 7 (xin không nêu tên) cho hay theo những văn bản làm việc giữa quận và Công ty Đức Khải thì quận đánh giá chủ đầu tư đã tiến hành liên tục các hoạt động và tuân thủ các chỉ đạo của quận trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư. “Về phí bảo trì chung cư, tôi cũng đã xem hồ sơ và thấy có sự minh bạch, rõ ràng vì thể hiện rõ khoản này đang gửi ở ngân hàng nào, số lãi dư ra sao... Tôi cho rằng không có cơ sở để nói chủ đầu tư chiếm dụng vốn” - vị này cho biết.

Tranh chấp ở một số chung cư

Người dân ở chung cư Bàu Cát 2 (quận Tân Bình, TP.HCM) từng tranh chấp dai dẳng với BQT. Thanh tra Sở Xây dựng xác định quá trình quản lý vận hành và bảo trì lô M từ tháng 4-2009 đến tháng 9-2014 có nhiều sai phạm. Mới đây, cư dân ở lô M đã bầu ra BQT mới, thay thế cho BQT cũ.

Một người dân ở chung cư 4S (quận Thủ Đức, TP.HCM) bị côn đồ đánh đổ máu vào cuối tháng 12-2015. Theo cơ quan công an, một phó giám đốc Công ty Thành Trường Lộc kiêm trưởng ban dự án công ty đã dẫn người vào chung cư sửa chữa một số hạng mục dự án. Sau đó, một số người trong nhóm này đã hành hung, truy sát người dân khi họ ngăn cản việc sửa chữa này.

Chung cư 584 (quận Tân Phú, TP.HCM) cũng xảy ra tình trạng tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư (Công ty CP ĐT XD và Khai thác Công trình Giao thông 584). Người dân cho rằng chủ đầu tư có sai phạm trong xây dựng diễn ra trong một thời gian dài. Vừa qua chung cư đã bầu lại BQT mới.

Các hộ dân chung cư Khang Gia - Tân Hương (quận Tân Phú, TP.HCM) cũng đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư (Công ty CP và Phát triển Địa ốc Khang Gia) khắc phục một số hạng mục bị hư hỏng nhưng chủ đầu tư vẫn chưa có câu trả lời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm