Vốn ngoại vẫn đổ vào bất động sản TP.HCM

Các chuyên gia cho rằng nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào giúp doanh nghiệp bất động sản (BĐS) xoay xở được trong bối cảnh tín dụng bị siết chặt.

Thị trường vẫn sáng

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, trong nửa đầu năm 2019, TP.HCM có 572 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt 528 triệu USD. Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp FDI vào TP đạt hơn 3 tỉ USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh BĐS đứng đầu về vốn đăng ký với 26 dự án, vốn đạt 226 triệu USD chiếm 43%.

Phân tích về số liệu trên, chuyên gia Trần Khánh Quang cho rằng số liệu vốn FDI vẫn đang chậm hơn tình hình thị trường thật. Nguồn cung thấp, thị trường chậm lại nhưng vốn FDI đổ vào vẫn mạnh. Ông Quang chỉ ra các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài khi nhắm đến thị trường BĐS họ đã nắm bắt tốc độ tăng trưởng của thị trường này 3-4 năm trở lại đây. Do đó, khi tiếp tục cam kết giải ngân thì nhà đầu tư đã dự báo được sự tăng trưởng, tiềm năng của thị trường 5-10 năm tiếp theo.

“Thị trường BĐS châu Á và trong khu vực Đông Nam Á tốc độ tăng trưởng chỉ 3%-5% nhưng ở Việt Nam và riêng TP.HCM lại được đánh giá tiềm năng tăng trưởng 10%-15%/năm. Vì vậy, thời gian tới dòng vốn ngoại chắc chắn vẫn bám và còn thêm nguồn vốn mới cho BĐS nước ta” - ông Quang khẳng định.

Đại diện cho một công ty đầu tư BĐS nước ngoài tại TP.HCM cho biết BĐS vẫn là kênh đầu tư dự trữ vốn an toàn dù chứng khoán và vàng tăng giá trị nhanh hơn. Động lực thúc đẩy nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này là dự trữ tài sản, tăng giá trị vốn và lợi nhuận đến từ thu nhập. Trong bối cảnh lợi suất của các tài sản thu nhập cố định đã và đang giảm, nhà đầu tư sẽ ngày càng quan tâm hơn đến thu nhập và tiềm năng tăng giá thuê của các dự án.

Theo vị này, Việt Nam đang là một trong những điểm nóng BĐS trong khu vực năm 2019, triển vọng đầu tư vẫn rất khả quan. Sức hút của thị trường sẽ tiếp tục duy trì, thể hiện ở việc tăng trưởng vốn FDI, tăng số lượng giao dịch M&A (mua bán và sáp nhập) và số doanh nghiệp mới. Với những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc đề xuất, ban hành và áp dụng những chính sách khuyến khích đầu tư cũng như cải thiện khung pháp lý, thị trường BĐS Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển ở tất cả phân khúc.

Sự tăng trưởng vốn FDI giúp thị trường BĐS có thêm nguồn lực để phát triển ở nhiều phân khúc.  Ảnh: Q.HUY

Nguồn vốn cần khai thác

Theo ông Trần Khánh Quang, nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam đến từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore…, có cả các quỹ đầu tư Mỹ, châu Âu và các quỹ toàn cầu. Phân khúc mà vốn ngoại đổ vào nhiều nhất là căn hộ cao cấp, hạng sang dành cho giới nhà giàu. Đối tượng quan tâm tiếp theo là người có thu nhập thấp. Ngoài ra, BĐS công nghiệp cũng rất có tiềm năng.

“Việc có nguồn đầu tư nước ngoài đã giúp BĐS trong nước có sự thay đổi tích cực, các sản phẩm thiết kế đẹp hơn, hiện đại, đa dạng hơn… Dòng vốn ngoại cũng giúp thị trường tăng sức cạnh tranh, tăng chất lượng, tiện ích, dịch vụ, công nghệ, quản lý vận hành… chuyên nghiệp, minh bạch hơn” - ông Quang phân tích.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết vốn FDI thực sự rất quan trọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại. Trong xu thế dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam, dòng vốn cũng dịch chuyển vào BĐS công nghiệp, văn phòng và nhà ở. Vì vậy, ông Châu cho rằng cần khuyến khích doanh nghiệp tạo dựng mối quan hệ hợp tác với nước ngoài.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra các chủ đầu tư nước ngoài quan tâm các khu vực trung tâm TP, gần vị trí hạ tầng giao thông quan trọng như metro, cao tốc... “Một số doanh nghiệp đã tái cơ cấu mạnh để niêm yết trên sàn chứng khoán, bắt tay với nhiều đối tác là quỹ đầu tư ngoại cùng hợp tác thực hiện dự án” - ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, vẫn cần sàng lọc nguồn vốn ngoại vì có những doanh nghiệp ngoại không đủ vốn, thường xin giảm quy mô, điều chỉnh dự án, kéo dài thời gian… để tiếp tục “ôm” quyền sử dụng quỹ đất đã được cấp phép. Cơ quan quản lý cần đánh giá lại các dự án chậm triển khai hoặc thu hồi các dự án chậm tiến độ để tìm kiếm nhà đầu tư có khả năng thực hiện thực sự.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 19 lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cả nước trong sáu tháng đầu năm 2019, hoạt động kinh doanh BĐS đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,3 tỉ USD, chiếm 7,2%, chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến.

Xét theo đối tác, đã có 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hong Kong dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỉ USD, chiếm 29%. Tiếp đó là Hàn Quốc và Trung Quốc. Đáng chú ý, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong sáu tháng đã giải ngân được 9,1 tỉ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm