Vốn ngoại 'đổ' hơn 800 triệu USD vào bất động sản

Theo số liệu vừa mới công bố từ Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện bốn tháng đầu năm ước tính đạt 5,1 tỉ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017. Theo lĩnh vực đầu tư, trong bốn tháng đầu năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp FDI với tổng số vốn đạt 4,52 tỉ USD, chiếm 56,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 807,5 triệu USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ.

Bất động sản Việt Nam vẫn thu hút vốn các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đối tác đầu tư, trong số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong bốn tháng năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 878 triệu USD, chiếm 25% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hàn Quốc, chiếm 23%, xếp sau lần lượt là Singapore, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)…
Liên tiếp các dự án có vốn FDI đổ vào BĐS, đặc biệt ở TP.HCM. Hai năm trở lại đây, hàng loạt chủ đầu tư như CapitaLand, Keppel Land, Mapletree, Gamuda Land... đã nhập cuộc. Một số tập đoàn ngoại cũng đầu tư tại Việt Nam dưới hình thức liên kết với doanh nghiệp nội như Quỹ Creed Group, Mitsubishi, Sanyo Homes, Daiwa House Group, Sumitomo Forestry Group...
Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo ba phương thức là góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp và cho vay vốn đầu tư. Đến nay, một số dự án do chủ đầu tư nước ngoài phát triển hoặc hợp tác đầu tư đã được tung ra thị trường.
Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào thị trường BĐS. Một năm trở lại đây, các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn như Mitsubishi, Maeda, Kajima, Sumitomo, Sanyo, Creed Group... đã tăng mạnh dòng vốn đầu tư vào BĐS ở TP.HCM.
Theo các chuyên gia BĐS, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ đem tới thị trường những chuyên môn, kinh nghiệm phát triển ở tất cả lĩnh vực và phân khúc. Mặt khác, họ cũng giúp tăng tính cạnh tranh, cải tiến hoạt động kinh doanh và sản phẩm, do vậy sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc ngân hàng của doanh nghiệp BĐS. Hệ thống tài chính ngân hàng sẽ có thể sử dụng nguồn vốn cho các lĩnh vực khác như nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ, thay vì tập trung phát triển BĐS.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, về địa bàn đầu tư, cả nước có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong bốn tháng đầu năm, trong đó Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 498,7 triệu USD, chiếm 14% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là TP.HCM 408 triệu USD, chiếm 11%; Bình Dương 365 triệu USD, chiếm 10%; Ninh Thuận 327 triệu USD, chiếm 9%; Đồng Nai 274 triệu USD, chiếm 8%...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm