Trị sốt đất: Sốt ở đâu, đánh thuế cao ở đó

Tại toạ đàm “Tỉnh táo trong cơn sốt đất” do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 8-4, các chuyên gia lẫn doanh nghiệp đều cho rằng sốt đất chỉ diễn ra cục bộ một số khu vực, do một nhóm nhà đầu tư, đầu cơ tạo sốt nhưng gây hệ lụy rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Nhiều hệ lụy khó lường
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết nếu sốt đất, người dân sẵn sàng bán đất nông nghiệp, vốn là tư liệu sản xuất hằng ngày. Khi cơn sốt đi qua, họ không biết làm gì để có thêm thu nhập, từ đó ảnh hưởng đến xã hội.
Với các nhà đầu tư là doanh nghiệp nước ngoài đang có dự án triển khai ở Việt Nam, có những dự án đã đền bù giải tỏa 90 - 95% nhưng khi giá đất bị đẩy lên thì rất khó để thương lượng vài % còn lại.
“Ở những khu công nghiệp sản xuất dịch vụ, giá đất bị đẩy lên sẽ khiến cho mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không như định hướng ban đầu, không hiệu quả. Vòng đời của một dự án khoảng 5 năm nhưng dự án công nghiệp, sản xuất cần tới 20 - 30 năm nên khi giá đất tăng lên sẽ ảnh hưởng rất lớn. Ở góc độ vĩ mô, địa phương bị mất lực hút, mất sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư” - ông Khương phân tích.
Hệ lụy của tình trạng sốt đất là nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại, thậm chí phá sản trong khi nhà đất bị bỏ hoang. Như câu chuyện của TP Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với năm lần sốt đất rồi vỡ bong bóng và nhà đầu tư cuối cùng ôm trái đắng. 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng nhận định khi cơn sốt đi qua, đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Sốt đất khiến mặt bằng giá đất tăng cao, những người dân thu nhập trung bình và thu nhập thấp bị mất cơ hội mua nhà.
“Như vừa qua có một dự án có giá 30-33 triệu đồng/m2 nhưng sau cơn sốt, giá bán đã được đẩy lên trên 50 triệu đồng/m2… Cơ hội có nhà ở của người có nhu cầu thật bị mất đi” - ông Châu chia sẻ.
Cần đánh thuế cao những nơi sốt đất
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Đại Phúc (Đại Phúc Land), cho rằng nhà đầu tư và thị trường cần thật tỉnh táo vì khi có sốt đất người người, nhà nhà rủ nhau đi mua đất sẽ tạo tâm lý đám đông.
Do nguồn cung hạn chế nên giá đất trong năm qua vẫn tăng. Nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội tăng giá cùng kỳ vọng của thị trường thì lại càng đẩy giá lên.  
Theo ông Lê Hoàng Châu, sốt đất hiện nay trên tất cả loại hình, không chỉ đất nền và đất nông nghiệp mà cả sốt giá căn hộ, dự án nhà biệt thự, nhà phố và cả khu vực đô thị cũ, giá nhà đất tại khu vực đô thị cũ... Chưa kể, tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều cơ sở kinh doanh khiến họ phải chuyển hướng đầu tư, trong đó bất động sản là kênh có đặc thù cất trữ tài sản an toàn với tâm lý dù tiền có mất giá nhưng đất không mất giá.
Vì vậy giải pháp cho tình trạng sốt đất là cần đánh thuế chuyển nhượng cao để triệt tiêu ý chí của nhà đầu tư. Cụ thể, nếu nhà đầu tư mua đi bán lại sẽ bị đánh thuế cao trong 2-3 năm đầu khi chuyển nhượng. Đồng thời, nhà nước cũng cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa đất vào sử dụng.
Hiện nay, nhà nước có chính sách thu hồi đất chậm đưa vào sử dụng nhưng chỉ thu hồi những dự án mà thôi.

Hệ lụy của tình trạng sốt đất là nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại, thậm chí phá sản trong khi đất bị bỏ hoang.

Ông Châu lấy ví dụ ở các nước trên thế giới như Trung Quốc, khi có sốt đất xảy ra ở đâu thì ngay lập tức chính quyền địa phương áp thuế suất cao ở đó.
Trong khi tại Việt Nam, thuế suất thuộc Luật thuế phải được Quốc hội thông qua nên chưa kịp thời. Do đó, có thể giao mức thuế suất này cho Chính phủ quyết định để phù hợp với diễn biến thị trường.
Ngoài ra, ông Châu cho rằng chính sách tín dụng cũng cần thay đổi ở những giai đoạn sốt giá nhà đất. Ví dụ giảm hạn mức cho vay xuống từ 70% về 30-50% tùy giai đoạn, kiểm soát việc đầu tư lướt sóng qua dòng tín dụng đổ vào thị trường bất động sản.
Người dân cần tỉnh táo nắm thông tin quy hoạch
Liên quan đến thông tin quy hoạch đất đai, ông Dư Huy Quang, Trưởng phòng quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết trong các quy định pháp luật về đất đai đều nêu rõ trách nhiệm cơ quan nào phải thực hiện, thời gian, nội dung triển khai để cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu tiếp cận, nắm bắt thông tin… Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch, bản đồ…
Tại TP.HCM, ngoài thông tin quy hoạch đất đai trên các trang web, còn thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan sở ngành. Ông Quang khuyến cáo người dân cần tiếp cận thông tin đầy đủ, rõ ràng và tỉnh táo trong việc xem xét, đánh giá quyết định đầu tư của mình.
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm