'Thế lực nào chống lưng 15 biệt thự trái phép ở Nha Trang?'

“Vi phạm gần hai năm nay nhưng 15 biệt thự xây dựng trái phép tại dự án khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang (gọi tắt là dự án Ocean View) vẫn chưa được xử lý.

Ngược lại, những căn biệt thự này vẫn ung dung tồn tại, phần lớn đã thi công hoàn thiện, ngày càng sai thêm. Có thế lực nào chống lưng, bật đèn xanh cho các sai phạm không?” - Đại biểu Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa, đặt vấn đề như trên tại phiên chất vấn HĐND tỉnh Khánh Hòa sáng 22-7.

Phần lớn các công trình xây dựng trái phép tại dự án Ocean View đã hoàn thiện. Ảnh: TL

Hiệu quả quản lý Nhà nước ở đâu?

Nhà báo Đoàn Minh Long nêu tháng 8-2019, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, 14 quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả.

Trả lời chất vấn tại cuộc họp HĐND tỉnh hồi tháng 12-2019, Giám đốc Sở Xây dựng cam kết tiến hành cưỡng chế các công trình vi phạm tại dự án Ocean View vào cuối năm 2019.

Đến tháng 4-2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Hoàng tiếp tục có công văn yêu cầu UBND TP Nha Trang phải hoàn thành việc cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm tại Ocean View trước ngày 30-6.

Thế nhưng, thời gian qua, việc thi công tại các công trình vi phạm trên vẫn diễn ra bình thường, đến nay phần lớn đã hoàn thiện.

Từ thực tế trên, ông Long đặt câu hỏi: "Vì sao đến nay các quyết định cưỡng chế này vẫn không được thực hiện?"

Đại biểu Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa, chất vấn giám đốc Sở Xây dựng. Ảnh: TL

Theo đại biểu Phạm Thúy Quỳnh, Phó ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Khánh Hòa, năm 2018 bà đã chất vấn trách nhiệm Giám đốc Sở Xây dựng khi mới phát hiện các biệt thự xây dựng trái phép.

“Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng lập chốt chặn ứng trực tại dự án mà họ vẫn thi công xây dựng trái phép. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở đâu khi để tình trạng này diễn ra như vậy?” - bà Quỳnh đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Xây dựng.

Đại biểu Nguyễn Quốc Thịnh, Phó ban Dân tộc HĐND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu giám đốc Sở Xây dựng giải thích vì sao sở lại tham mưu cho UBND tỉnh đề ra phương án xử phạt rồi cho tồn tại đối với các biệt thự trên. 

Ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu giám đốc Sở Xây dựng làm rõ chủ 15 biệt thự trái phép trên là ai, vì sao vi phạm kéo dài nhưng chưa xử lý.

“Cử tri rất bức xúc đối với các vi phạm tại dự án Ocean View. Khi đoàn giám sát HĐND tỉnh đến giám sát tại dự án, họ vẫn thi công bình thường. Vì sao Sở Xây dựng không tham mưu xử lý, cưỡng chế dứt điểm mà lại tham mưu xử phạt rồi cho tồn tại?” - ông Thân chất vấn.

Ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng, nói không có thế lực nào chống lưng cho các công trình vi phạm. Ảnh: TL

Trả lời các câu hỏi trên, ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa, khẳng định sở không hề tham mưu UBND tỉnh xử phạt rồi cho tồn tại đối với 15 công trình trái phép.

“Quan điểm của sở là đã sai phạm thì phải bị xử lý, tháo dỡ, không thể chỉ xử phạt rồi cho tồn tại. Làm như vậy thì còn gì kỷ cương, sẽ tạo tiền lệ xấu. Việc chậm xử lý có trách nhiệm của Sở Xây dựng, chúng tôi nhận thiếu sót” - ông Dẽ nói.

Giám đốc Sở Xây dựng lý giải nguyên nhân chậm cưỡng chế là do các chủ biệt thự không hợp tác, không cung cấp hồ sơ thiết kế để xây dựng phương án tháo dỡ.

Mặt khác, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến tiến độ xử lý. Hồi cuối tháng 3-2020, Sở đã trình UBND tỉnh phương án tháo dỡ đối với 15 biệt thự trái phép.

“Tôi khẳng định là không có thế lực nào chống lưng cho các sai phạm, cũng không ai bật đèn xanh cho các công trình vi phạm ấy thi công hoàn thiện cả” - giám đốc Sở Xây dựng trần tình.

Đề xuất 2 phương án

Đại biểu Nguyễn Quốc Thịnh yêu cầu ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, người đã nhiều lần trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo xử lý các công trình vi phạm tại dự án Ocean View, trả lời vì sao đến nay vẫn chưa xử lý.

Theo ông Hoàng, nguyên nhân chậm xử lý là do đại dịch COVID-19. “Do có đến 15 trường hợp vi phạm, khối lượng và giá trị tài sản phải cưỡng chế, tháo dỡ của người dân có giá trị lớn. Kinh phí tháo dỡ Nhà nước phải ứng trước khoảng 30 tỉ đồng.

Việc cưỡng chế tháo dỡ dễ phát sinh điểm nóng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, nhất là trong giai đoạn diễn ra đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Do đó, vấn đề này cần phải được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng”- ông Hoàng giải thích.

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nói nếu cưỡng chế tháo dỡ dễ phát sinh điểm nóng. Ảnh: TL

Theo ông Hoàng, tỉnh đề xuất hai phương án, báo cáo thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thường trực HĐND tỉnh xem xét cho ý kiến.

Phương án một là thực hiện các quyết định cưỡng chế đối với 15 công trình xây dựng vi phạm. Tuy nhiên, ông Hoàng dành nhiều thời gian để trình bày phương án hai là cưỡng chế bảy công trình vi phạm, cưỡng chế một phần đối với tám công trình còn lại, đồng thời buộc nộp tiền thu lợi bất chính theo Thông tư số 03 của Bộ Xây dựng.

“Theo tính toán của Sở Xây dựng thì dự kiến thu được 65 tỉ đồng khi thực hiện phương án hai. Rất mong thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh xem xét để UBND tỉnh thực hiện đúng quy định” - ông Hoàng thuyết trình.

Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Thân, Thông tư số 03 của Bộ Xây dựng chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm xảy ra trước ngày 15-1-2018. “Chủ tọa nhắc để UBND tỉnh áp dụng pháp luật cho đúng” - ông Thân lưu ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm