Tách thửa cho con, không buộc làm điện ngầm

“Trong quá trình tách thửa đất chia cho các con, tôi liên hệ với Công ty Điện lực quận Thủ Đức để xin kéo điện thì điện lực yêu cầu tôi phải lập hệ thống điện ngầm khiến tôi hết sức bất ngờ. Không hiểu tại sao xung quanh là hệ thống điện nổi, nhà tôi lọt giữa lại bắt làm điện ngầm” - bà H. (quận Thủ Đức, TP.HCM) kể.

Nhiều người gặp khó

Bà H. cho biết bà có mảnh đất 1.000 m2 ở phường Linh Trung, định cắt ra chia cho các con. Mảnh đất này nằm trong hẻm, xung quanh là khu dân cư. Các nhà xung quanh đều làm hệ thống điện nổi nhưng điện lực Thủ Đức lại yêu cầu bà làm điện ngầm. Công ty điện lực giải thích đây là quy định mới, thực hiện theo công văn của Sở Công Thương.

“Ví dụ như khu đất trên 2.000 m2 hay giữa đồng trống mà người ta phân lô bán nền thì yêu cầu này hợp lý. Nhưng dân có một ít đất nhỏ lẻ tách ra vài nền cho con cái như chúng tôi cũng bị áp dụng thì khó khăn quá. Nhà nước còn làm chưa nổi thì sao chúng tôi làm được, chi phí làm hệ thống điện ngầm rất cao” - bà H. bộc bạch.

Không chỉ riêng trường hợp bà H., một số người dân ở Thủ Đức cũng cho hay hồ sơ xin tách thửa của họ đang bị gặp khó từ yêu cầu của Công ty Điện lực quận Thủ Đức.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc Công ty Điện lực Thủ Đức, giải thích đơn vị làm theo yêu cầu của Sở Công Thương. “Không chỉ riêng Thủ Đức, tôi được biết một số quận như quận 9 cũng thực hiện như vậy” - ông Phú cho hay.

Về phía UBND các quận, huyện có lãnh đạo UBND quận, huyện cho hay chưa biết công văn này, có nơi chưa triển khai.

Hiểu không đúng hướng dẫn

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết ngày 7-1, Sở có công văn về việc cung cấp điện cho các chủ đầu tư có dự án tách thửa, phân lô nền đất trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, ông Đông khẳng định công văn này không đánh đồng mọi đối tượng mà chỉ áp cho các dự án tách thửa, phân lô nền đất sẽ hình thành các khu dân cư mới. Các khu dân cư này là một bộ phận của khu đô thị mới trong tương lai.

“Hiện nay Sở Công Thương đang lập quy hoạch phát triển điện lực TP giai đoạn 2016-2025 nên việc ngầm hóa lưới điện tại các dự án tách thửa, phân lô nền đất sẽ hình thành khu dân cư mới được xem xét đưa vào quy hoạch” - ông Đông xác định.

Theo ông Đông, từ năm 2007, TP đã có chỉ đạo đối với các khu công nghiệp - cụm công nghiệp mới thành lập, các khu dân cư, khu đô thị mới... các cơ quan cung cấp lưới điện và mạng viễn thông phải ngầm hóa. Từ đó, Sở đề nghị UBND các quận, huyện khi thỏa thuận phương án hạ tầng kỹ thuật cho phép chủ đầu tư tách thửa phân lô nền đất theo Quyết định 33/2014 của UBND TP thì yêu cầu chủ đầu tư cần ưu tiên kết hợp phương án ngầm hóa lưới điện...

“Lưới điện trung hạ thế ngầm được ưu tiên lắp đặt để đảm bảo an toàn sử dụng điện và mỹ quan đô thị. Văn bản của Sở đã viết rất rõ không có chuyện khu đất nhỏ lẻ của người dân nằm giữa khu dân cư xung quanh đã có hệ thống lưới điện nổi mà Sở buộc phải làm hệ thống điện ngầm. Sở đã tổ chức triển khai hướng dẫn công văn cho các quận, huyện, các công ty điện lực khu vực. Không hiểu sao có nơi lại áp dụng cho mọi trường hợp. Hiểu như vậy là không đúng!” - ông Đông khẳng định.

Sẽ chấn chỉnh việc giải quyết tách thửa

Theo Sở TN&MT, Quyết định 33/2014 của UBND TP.HCM nhằm giải quyết nhu cầu tách thửa của hộ gia đình, cá nhân do tách hộ, giải quyết nhu cầu khó khăn về nhà ở hoặc kinh tế gia đình; không nhằm mục đích tách thửa, chuyển mục đích, chuyển nhượng nhà đất để kinh doanh bất động sản.

Sở TN&MT cho biết hiện nay tại một số quận, huyện có tình trạng một số cán bộ, công chức chưa hiểu đúng hoặc cố tình không hiểu nội dung của Quyết định 33 dẫn đến giải quyết tách thửa, chuyển mục đích nhằm chuyển nhượng kinh doanh. Từ đó gây ảnh hưởng quản lý quy hoạch được duyệt, hình thành khu dân cư hạ tầng không đồng bộ, không định hướng kết nối với khu vực hoặc từ chối giải quyết nhu cầu tách thửa chính đáng, đúng pháp luật của người dân làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

Sở TN&MT đề nghị UBND các quận, huyện phải hiểu và làm đúng nội dung Quyết định 33. Trước mắt là rà soát các hồ sơ tách thửa đủ điều kiện, đúng pháp luật để “giải quyết ngay cho người dân, tránh gây khó và làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân”. Bên cạnh đó, rà soát công tác quản lý tách thửa trên địa bàn, xử lý nghiêm trường hợp nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp trái pháp luật làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng kết nối hạ tầng.

Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về quản lý sử dụng đất trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, chuyển mục đích và chuyển nhượng, xây dựng nhà cửa không phép... Ngoài ra, UBND quận, huyện phải tổng hợp các trường hợp đã giải quyết để báo cáo, đánh giá nhu cầu thật sự của người sử dụng đất cũng như tính chất vi phạm nếu có và đề xuất biện pháp chấn chỉnh.

Điện ngầm một lõm nhỏ là không hợp lý

Với những dự án hình thành khu dân cư mới thì yêu cầu ngầm hóa lưới điện là cần thiết. Nhưng khu dân cư hiện hữu thì khó có thể cầu toàn. Xung quanh làm điện nổi thì một lõm đất nhỏ trong đó không thể yêu cầu làm lưới điện ngầm vì rất tốn kém cho người dân và không hợp lý.

Ông NGUYỄN VĂN TRƯỜNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm