Sốt ruột chờ bồi thường nhà cháy

Vụ cháy kinh hoàng xảy ra tối 30-12-2014 đã thiêu rụi tám căn nhà, làm hư hỏng ba căn khác trên đường Trần Quốc Thảo (phường 7, quận 3, TP.HCM). Đã chín tháng trôi qua, những ngôi nhà bị cháy nham nhở vẫn chưa được sửa chữa, xây mới. Các hộ dân phải sống tạm bợ đó đây trong khi chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Sống tạm bợ suốt chín tháng trời

Căn nhà 186 Trần Quốc Thảo trước đây được bà Trần Thị Nga cho thuê mở quán karaoke New. Sau vụ cháy, căn nhà hư hại khoảng 70%. Sau nhiều tháng chờ đợi, mới đây bà Nga phải tạm sửa sang lại tầng trệt để cho thuê kiếm sống.

Vợ chồng bà Nga đã lớn tuổi, hai người con đang đi học nên từ lâu cả gia đình chủ yếu sống nhờ vào tiền cho thuê nhà. Bà kể: “Tiền cho thuê tôi dùng để mướn nhà khác và trang trải cuộc sống nên cũng không dư được mấy. Từ khi nhà cháy, tôi thực sự không biết bấu víu vào đâu. Người thuê nhà cũng thiệt hại nặng nề nên trả nhà và đòi tiền đặt cọc. Chờ mãi không thấy được hỗ trợ, bồi thường, tôi đành vay ngân hàng, sửa tạm lại nhà để cho thuê kiếm sống qua ngày”.

Không “may mắn” như nhà của bà Nga, căn nhà số 182 của bà Trần Thị Mỹ Linh sau đám cháy chỉ còn là đống gạch vụn. “Lúc đó cả nhà đang ăn cơm, nghe người ta kêu cháy vội bỏ chạy nên không mang được tài sản gì, tính mạng may mà còn giữ được” - bà Linh nhớ lại. Sau đó bà Linh cùng bốn người trong gia đình phải sang ăn nhờ ở đậu tại nhà chị gái.

Những ngôi nhà bị cháy vẫn chưa được giải phóng gây không ít nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: N.TÂN

Những người dân bị thiệt hại như gia đình chị Linh đang mong mỏi cơ quan điều tra sớm có kết luận cuối cùng. Ảnh: N.TÂN

“ở nhờ hoài cũng không ổn nên cả nhà ra ngoài thuê phòng trọ. Căn phòng chỉ hơn 10 m2 nhưng giá thuê tới 1,5 triệu/tháng. Do quá chật chội, con trai đầu của tôi phải sang ở nhờ nhà nội. Trước giờ có tiền thuê nhà nên tôi chỉ nội trợ, chồng tôi trước là tài xế, sau mổ mắt rồi gai cột sống nên không làm được gì. Bây giờ, cuộc sống của bốn miệng ăn phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của nhà chồng” - bà Linh kể hoàn cảnh của mình.

Phòng trọ chỉ cách khoảng 100 m nên bà Linh thỉnh thoảng trở lại căn nhà bị cháy. Theo chân bà Linh, chúng tôi thấy một mâm cơm với cả năm chiếc bát, đôi đũa vẫn còn nằm trơ trọi ở cuối nhà. Bà Linh nói: “Tôi vẫn giữ nguyên hiện trạng vì còn chờ kết luận điều tra”.

Không chỉ người trong cuộc khổ sở, những gia đình sống gần đó cũng bày tỏ sự bất an do những ngôi nhà chưa được phá dỡ thỉnh thoảng lại rơi gạch ngói, thạch cao xuống gây nguy hiểm. “Tôi mong tình trạng này sớm được khắc phục để những chủ nhà an tâm ổn định cuộc sống, tụi tôi cũng đỡ lo” - anh Văn Minh, ngụ gần dãy nhà cháy, nói.

Chưa xác định ai phải bồi thường

Ông Trần Hải Nguyên, Chủ tịch UBND phường 7, thông tin: “Những căn nhà cháy để càng lâu càng nguy hiểm. Mùa mưa đã tới, các căn nhà hỏng nặng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. UBND phường đã đề nghị UBND quận kiến nghị cơ quan điều tra sớm có kết luận chính thức về vụ cháy. Nhưng theo tôi được biết tới nay vẫn chưa có kết quả”.

Cũng theo ông Nguyên, hiện thỉnh thoảng những vật liệu, tấm tôn ốp bên ngoài các căn nhà cháy lại rơi xuống. UBND phường phải cùng các cơ quan chức năng tháo dỡ các vật liệu nguy hiểm, đồng thời làm hàng rào tôn che chắn xung quanh để tránh ảnh hưởng đến người đi đường.

Để có cơ sở khắc phục hậu quả, bồi thường cho các hộ dân, UBND phường 7 đã bỏ một phần kinh phí và vận động thêm được tổng cộng 200 triệu đồng làm kinh phí  thuê đơn vị có chức năng kiểm định chất lượng 11 căn nhà. Theo kết quả kiểm định, hai căn nhà 184 (quán karaoke Idol) và 184A phải tháo dỡ hoàn toàn.

“Chính quyền địa phương yêu cầu chủ quán Idol tháo dỡ nhưng họ cho rằng chưa có kết luận điều tra nên không chịu tháo dỡ. Còn chủ nhà 184A trình bày không có tiền đập đi xây mới lại nên xin sửa lại và đề nghị cho mở điện để về sinh sống. Tuy nhiên, do kết quả kiểm định buộc phải tháo dỡ nên phường không thể đồng ý được” - lãnh đạo UBND phường 7 thông tin.

Khác với vụ cháy tại đường Trần Quốc Thảo, sau vụ nổ kho hóa chất tại phường Thới An, quận 12, cơ quan điều tra đã nhanh chóng khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Văn Hải, giám đốc Công ty Hóa chất Đặng Huỳnh. Tuy nhiên, đến nay 85 hộ dân bị ảnh hưởng vẫn chưa biết tới khi nào mới được bồi thường.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch UBND phường Thới An, quận 12, cho biết vừa qua quận đã đề nghị trích xuất ông Huỳnh Văn Hải từ trại giam về địa phương để xin lỗi người dân. Lãnh đạo quận, phường cùng các phòng ban chuyên môn cũng đã xin lỗi người dân vì để xảy ra sự việc đáng tiếc. Từ tháng 12-2014 đến nay, phường đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho gia đình những người bị chết, bị thương; hỗ trợ tiền thuê nhà cho những hộ dân có nhà bị sập, hư hại.

________________________________________

Chúng tôi rất trăn trở về việc đến nay vẫn chưa có kết quả điều tra, xác định chính thức nguyên nhân vụ cháy, ai là người phải bồi thường… Phường đã đề nghị quận kiến nghị cơ quan công an sớm có kết luận chính thức để có chính sách hỗ trợ, bồi thường nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy.

Ông HUỲNH ĐỖ TIẾN,
Phó Chủ tịch UBND phường 7, quận 3

Phân biệt hai trường hợp

Yêu cầu bồi thường trong cả hai vụ cháy đều phát sinh ngay sau khi có cháy gây thiệt hại nhưng thời điểm được bồi thường lại khác.

Nếu cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố rồi tòa xét xử thì tòa sẽ giải quyết luôn phần bồi thường thiệt hại. Đây là phần dân sự trong vụ án hình sự. Trường hợp việc bồi thường phức tạp thì tòa sẽ tách phần dân sự để người bị thiệt hại khởi kiện riêng.

Nếu không khởi tố vụ án, bị can hoặc có khởi tố nhưng sau đó đình chỉ vụ án hoặc miễn trách nhiệm thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thực tế có những trường hợp các cơ quan tố tụng muốn kéo dài việc thương lượng hoặc người bị thiệt hại chưa hiểu được quyền của mình nên vụ việc bị kéo dài.

Luật sư NGUYỄN DUY BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

T.TÙNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm