Rủi ro từ việc cho thuê căn hộ kiểu mới

Airbnb là viết tắt của Air Bed & Breakfast, tên của công ty khởi xướng nên loại hình chia sẻ căn hộ đầu tiên trên thế giới tại Mỹ. Nhận định Airbnb là mô hình mới trong hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) tại Việt Nam, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) lưu ý Airbnb đang thách thức các quy định pháp luật hiện hành.

Khúc mắc khi thuê căn hộ qua Airbnb

“Airbnb kết nối những người có quyền sở hữu hoặc sử dụng BĐS (căn hộ, nhà phố, homestay, biệt thự, condotel…) với người có nhu cầu thuê, trở thành ứng dụng toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng. Với các loại hình khác thì không sao nhưng thuê căn hộ chung cư qua Airbnb lại đang gặp vấn đề” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM.

Theo ông Châu, Airbnb đã đi vào thực tế song Luật Nhà ở hiện nay chưa bao hàm khái niệm Airbnb. Với nhà phố, biệt thự, condotel, homestay… thì không có ràng buộc nhưng với căn hộ chung cư thì Luật Nhà ở quy định chỉ được sử dụng để ở.

“Khi sử dụng Airbnb thuê căn hộ chung cư theo giờ, theo buổi, ngắn ngày thì có thể được… nhưng nếu thời gian cho thuê kéo dài dưới hình thức giống khách sạn thì Luật Nhà ở lại cấm. Có thể thấy rõ kiểu cho thuê Airbnb là tự phục vụ, người thuê tự phục vụ giống kinh doanh dịch vụ phòng theo kiểu khách sạn, cái này Luật Nhà ở chưa quy định, Luật Kinh doanh BĐS cũng chưa quy định” - ông Châu lý giải.

Chủ tịch HoREA cũng cho biết mô hình này ở nước ngoài đã có các quy định cụ thể, chẳng hạn một năm chủ sở hữu được khai thác bao nhiêu thời gian (giới hạn cho thuê theo kiểu Airbnb) và phải đăng ký với cơ quan chính quyền để nộp thuế.

Ngoài ra, một vấn đề khác là chính các cư dân trong tòa nhà phản đối kiểu cho thuê này. Lý do là tạo ra lượng khách ra vào bất thường, nhiều người lạ mặt đến rồi đi khiến cuộc sống họ bị xáo trộn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh. Trên thực tế đã có những nhóm thuê căn hộ qua Airbnb để sử dụng ma túy, chất kích thích…

“Quy định pháp luật chưa theo kịp, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Thuế, Luật Nhà ở hiện nay đều phải nghiên cứu, bổ sung quy định để quản lý loại hình này, đảm bảo không phá vỡ không gian sống của cư dân trong các tòa nhà. Trong văn bản góp ý gần đây với các cơ quan chức năng, chúng tôi đã lưu ý phải sửa đổi luật và bổ sung các quy định khi người dân sử dụng nền tảng Airbnb cho thuê căn hộ chung cư” - ông Châu nói.

Một bất động sản hạng sang được cho thuê qua ứng dụng Airbnb. Ảnh: HV

Tiềm năng tăng trưởng tốt tại Việt Nam

Theo báo cáo khảo sát khách sạn năm 2019 gần đây của Grant Thornton (một trong những công ty dịch vụ lớn nhất thế giới), Airbnb đã tăng trưởng ấn tượng và cung cấp thêm gần 30.000 đơn vị lưu trú cho thị trường Việt Nam.

Bằng việc cung cấp các lựa chọn thay thế cho khách du lịch, mô hình dịch vụ mới như Airbnb đã chiếm được thị phần đáng kể trong ngành khách sạn và lưu trú. “Tuy nhiên, khác với dự đoán, nền tảng chia sẻ nhà ở trực tuyến không khiến khách sạn truyền thống bị nhiều ảnh hưởng. Đặc biệt là tại Việt Nam, nơi nguồn cung khách sạn truyền thống vẫn chưa đủ cho khách du lịch mùa cao điểm” - JLL Việt Nam nhận định.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng ngành khách sạn truyền thống cũng không nên đánh giá thấp tiềm năng của mô hình này. Thế hệ trẻ ngày nay thích thú với nền kinh tế chia sẻ. Bằng chứng là sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của hệ thống gọi xe công nghệ và dịch vụ lưu trú Airbnb tại Việt Nam. Xu hướng kinh tế chia sẻ mang đến cho thị trường những cơ hội đầu tư mới, bất kể số lượng vốn hay tài sản.

Có thể nói Airbnb và homestay cũng đang tạo ra một nguồn cung BĐS lưu trú bổ sung cho khách du lịch rất có sức hút với giới trẻ - lứa tuổi du lịch linh hoạt và không ngừng tìm kiếm trải nghiệm mới. Sự phát triển của Airbnb chính là chất xúc tác cho các khách sạn truyền thống thay đổi và cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ của họ.

Tại những TP lớn, việc thuê nhà có hợp đồng dài hạn sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh nguồn cung gia tăng. Vì vậy, JLL Việt Nam dự đoán mô hình cho thuê lưu trú ngắn hạn sẽ là một giải pháp tốt trong tương lai.

Mô hình Airbnb cho thuê phòng ngắn hạn bắt đầu với ý tưởng kết nối khách du lịch phượt và những ngôi nhà nhàn rỗi. Khách thuê muốn tìm một chỗ qua đêm có giường ngủ thoải mái và giá cả phải chăng. Chủ nhà có sẵn phòng trống chưa sử dụng trong nhà hoặc cho thuê nguyên căn khi họ đi vắng để tăng thu nhập. Nguồn thu đáng kể trên đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào mô hình mua nhà để cho thuê, hoặc đứng ra thuê nhà dài hạn sau đó cho thuê lại ngắn hạn với giá cao hơn.

“Airbnb tiếp tục tăng trưởng với con số 185,4% (10.798 lượt đăng ký) tại điểm đến Hà Nội và 173,88% ở TP.HCM (17.326 lượt) vào cuối quý IV-2018. Tỉ lệ lấp đầy cao hơn trong thời gian nửa cuối năm, đạt khoảng 63%-65%” - báo cáo của JLL (tập đoàn cung cấp dịch vụ BĐS quốc tế) tại Việt Nam khẳng định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm