Rủi ro khi mua căn hộ ‘suất ưu đãi’

Thực tế là có những người được mua nhà giá rẻ vì thuộc đối tượng ưu đãi rồi bán lại với giá mềm hơn thị trường. Tuy nhiên, khi là người mua lại các suất nhà này, người bình thường có thể gặp một số rủi ro, trong đó có việc bị lệ thuộc rất lớn vào người bán, không nhận được sự hỗ trợ từ CĐT.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP.HCM, căn hộ thuộc suất ưu đãi luôn luôn kèm theo nhiều điều kiện mà người mua phải đáp ứng nếu không tính chất “ưu đãi” sẽ không còn. Ví dụ, nhiều CĐT đưa ra điều kiện như đối với căn hộ suất ưu đãi chỉ được chuyển nhượng sau một khoảng thời gian nhất định; người mua chỉ có quyền chuyển nhượng sau khi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất…

Thêm nữa, người mua căn hộ suất ưu đãi thường sẽ không được đứng tên trên hợp đồng mua bán một cách chính thống, nghĩa là mọi giao dịch chỉ được thực hiện ngầm, mua bán bằng giấy tay. Người mua chỉ có thể thực hiện việc mua bán chính thức sau khi căn hộ đã được cấp giấy hồng. Như vậy, số phận của người mua sẽ lệ thuộc rất lớn vào người bán. Trường hợp người bán thay đổi hay yêu sách thêm thì người mua sẽ bất lợi. Ngoài ra, nếu chẳng may người bán chết thì lúc này hợp đồng giữa người bán và người mua sẽ do những người thừa kế của người bán quyết định. Đáng nói là những người này sẽ không có nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của người bán do hợp đồng trước đó không có giá trị.

Giao dịch mua bán suất ưu đãi là giao dịch mà cả người bán và người mua đều có thể không được pháp luật bảo vệ. Nếu trong trường hợp bị phát hiện hay kiện cáo, thắc mắc về việc mua bán sai đối tượng thì có thể người bán không còn được tiêu chuẩn mua nhà, dẫn đến giao dịch mua bán nhà với người mua cũng bị vô hiệu kéo theo.

Hơn thế nữa, có rất nhiều suất ưu đãi thuộc diện quà tặng, ưu đãi của CĐT dành riêng cho các cán bộ, công chức nhà nước. Trong trường hợp này, rất có thể việc mua bán sẽ gặp trở ngại nếu như người được tặng cho có những sai phạm và bị xử lý về các hành vi tham nhũng hoặc bị xử lý các sai phạm về không kê khai tài sản một cách trung thực. “Trong trường hợp xấu hơn, ví dụ như người bán có thể có nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc mang thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà, dẫn đến phải xử lý tài sản là căn nhà hoặc tranh chấp quyền lợi, thiệt hại sẽ rơi vào người mua” - luật sư Hậu phân tích thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm