Phát triển nhà giá rẻ cần chính sách đồng bộ

TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng một trong nhiều trở ngại khiến doanh nghiệp không mặn mà với đầu tư nhà giá rẻ là do giá đất tại TPHCM quá cao, đặc biệt là ở khu vực nội thành.

“Giá đất cao như vậy, nếu không làm nhà cao cấp thì không thể có lời”, ông Lịch nói.

Bên cạnh đó, hiện nay mọi chính sách hỗ trợ phát triển nhà giá rẻ đều do ngân hàng đảm nhiệm, trong khi lại thiếu tính đồng bộ với việc quy hoạch phát triển hạ tầng, giao thông.

“Tuyến đường metro Bến Thành - Suối Tiên không đi qua một khu dân cư giá thấp nào. Trong khi đó, muốn thu hút các nhà đầu tư nhà giá rẻ ra vùng ngoại thành, với giá đất thấp hơn, thì cần phải kết hợp phát triển hệ thống giao thông đồng bộ tại những nơi này”, ông Lịch đặt vấn đề.

Theo ông Lịch, trong 5 năm tới nhu cầu nhà giá rẻ tại TPHCM sẽ vô cùng lớn. Chưa nói đến nhu cầu nhà ở của người nhập cư, chỉ riêng chương trình giải tòa 22.000 căn nhà trên kênh rạch, di dời, cải tạo 474 chung cư cũ ... đã tạo ra thị trường "mênh mông" cho các nhà đầu tư. Vấn đề còn lại là chính sách như thế nào để thu hút nhà đầu tư.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng để phát triển thị trường nhà giá rẻ thì việc hỗ trợ về lãi suất thôi là chưa đủ.

Hiện các gói tín dụng ưu đãi cho vay để mua nhà giá rẻ chỉ là giải pháp mang tính ngắn hạn, tạm thời, chưa có tầm nhìn dài hạn và định hướng để phát triển phân khúc này.

Bên cạnh gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo đó, lãi suất ưu đãi dành cho các đối tượng quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm, được áp dụng đến hết ngày 31-12-2016 và áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016.

Tuy vậy, theo ông Hiếu, các ngân hàng đều có quy định riêng của mình để bảo toàn đồng vốn khi cho người thu nhập thấp vay tiền mua nhà, nên những người có tài sản bảo đảm và nguồn thu nhập ổn định vẫn được quyết định cho vay nhiều hơn.

Như vậy, người không có tài sản bảo đảm và thu nhập chỉ từ 4-5 triệu đồng/tháng gần như không thể nào mua được nhà. Do đó, cần phải có chính sách chung quy định cụ thể về đối tượng, thời hạn cho vay, chứ không chỉ tập trung vào hỗ trợ lãi suất.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý Nhà ở và Công sở, Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến thời điểm này, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 51 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất là 150,9 ha và 48.587 căn hộ.

Trong số này, hiện đã hoàn thành 12 dự án, với quy mô 3.886 căn hộ, còn lại 39 dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2016-2020.

Mọi ý kiến đóng góp vui lòng gởi về địa chỉ email: batdongsanplo@gmail.com hoặc hotline: 0996 166177.

BAN CAO (Kinh tế Sài Gòn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm