Phan Thiết - Tín hiệu vui cho phát triển du lịch

Chia sẻ trong Hội thảo Mô hình quản lý khu du lịch quốc gia diễn ra tại Phan Thiết ngày 2410, Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế, giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết Phan Thiết sở hữu tiềm năng phát triển du lịch to lớn và lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư. Với yếu tố thiên thời, địa lợi hiện hữu, du lịch Phan Thiết sẽ còn vươn xa hơn trong tương lai.

Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Phan Thiết

Bắt đầu từ cột mốc 24-10 của 25 năm trước, người dân trên khắp cả nước và quốc tế lần đầu chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, chưa được khai phá của làng chài Mũi Né - Phan Thiết. Hiện tượng nhật thực toàn phần cuối cùng của thế kỷ XX được nhiều người ví như “tín hiệu” do ông trời ban tặng cho vùng đất cằn cỗi với 300 ngày nắng quanh năm này.

“Đó là 'thiên thời', là yếu tố đầu tiên mở ra tương lai du lịch cho Phan Thiết. Để rồi 10 năm sau đó, ngành du lịch tại đây phát triển cực thịnh, điều mà lúc bấy giờ các thủ phủ du lịch trên cả nước như Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang... chưa đủ sức làm và chỉ mới phát triển ở một chừng mực nào đó”, ông Tuấn nhận định. Không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp nao lòng của dải đất ven biển cực Nam Trung Bộ cùng sản vật thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất này.

Phan Thiết sở hữu tiềm năng phát triển du lịch to lớn và lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư. (Ảnh: Ngọc Lan)

Cùng với đó là chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, kết nối Phan Thiết với những trung tâm kinh tế, du lịch khác, mở ra cơ hội thu hút đầu tư. Nơi đây có các công trình giao thông dự kiến hoàn thiện trong tương lai như sân bay Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết...

Thành phố hình cánh cung được kỳ vọng sẽ sáng hơn nữa trên bản đồ du lịch Việt Nam lẫn khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhờ những lợi thế địa lý sẵn có. Phan Thiết sắp tới có thể dễ dàng kết nối với du khách phía Nam qua cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; đón khách quốc tế lẫn phía Bắc và tỉnh thành lân cận với sân bay Phan Thiết - cảng hàng không quốc tế quy mô thiết kế vận tải hành khách ước tính hai triệu lượt khách mỗi năm. Đây là yếu tố “địa lợi” dự kiến thu hút nhiều du khách hơn nữa trong thời gian tới.

Thu hút các dự án quy mô lớn

Tiếp nhận ý kiến của các chuyên gia, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đang tiến hành đầu tư và kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong, ngoài nước, tuy đây là vấn đề khó nhưng vẫn phải làm bởi có quỹ đất thì mới tạo ra những dự án lớn. Ngoài ra, phía tỉnh cũng xúc tiến, đẩy nhanh quá trình giải quyết vấn đề hành chính, thủ tục để các dự án hạ tầng có thể sớm triển khai.

Hiện Phan Thiết nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung vẫn thiếu các mô hình vui chơi giải trí, khu thương mại phục vụ du lịch, quà lưu niệm và các loại hình thể thao biển. Do đó, theo ông Hoà, các nhà đầu tư có thể tham gia phát triển phân khúc này. Đến nay, vốn đầu tư tư nhân tại tỉnh Bình Thuận trên 2 tỉ USD, thu hút khoảng 200 dự án. Trong đó hơn 100 dự án đã và đang huy động vốn.

Thời gian qua, nhận thấy tiềm năng du lịch ở Phan Thiết mà hiếm nơi nào có được ở khu vực phía Nam, ngày càng có nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến đây xây dựng hàng trăm khu resort, phát triển loạt dự án bất động sản tầm cỡ, duy trì danh xưng “thiên đường nghỉ dưỡng”, “thủ đô resort” của thủ phủ tỉnh Bình Thuận.

Phối cảnh khu mua sắm bãi biển tại NovaWorld Phan Thiet của Tập đoàn Novaland.

Trong đó, có thể kể đến một số dự án quy mô NovaWorld Phan Thiet của tập đoàn Novaland, được định hướng trở thành “siêu thành phố biển - du lịch - sức khỏe”, quy mô lên tới 1.000 ha, trải dọc bảy km đường bờ biển với hàng trăm tiện ích đẳng cấp quốc tế cùng dòng sản phẩm second home đa mục đích sử dụng và khả năng sinh lợi bền vững.

Theo đánh giá của chuyên gia, tiềm năng dẫn đầu du lịch ở phía Nam của Phan Thiết rất lớn bởi nơi đây có sẵn tài nguyên, sẵn sàng mở cửa đón đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Song song đó, chính quyền chú trọng gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực và hệ thống di sản, không ngừng triển khai những chiến lược phát triển du lịch tầm nhìn dài hạn. Việc địa phương “trải thảm” đón dòng vốn của các doanh nghiệp mang lại lợi ích về mặt kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Điều này góp phần mang lại diện mạo mới cho vùng đất được mệnh danh “thiên đường resort”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm