Nhà trũng, thấp do nâng đường được hỗ trợ tiền

Gần 80 tuổi nên việc ra vào căn nhà trũng thấp hơn mặt đường cả mét đối với ông Lê Văn Thắng (68B/1/17 Đặng Nguyên Cẩn, phường 14, quận 6, TP.HCM) là cực hình. Vợ ông Thắng, bà Nguyễn Thị Tuyền, 76 tuổi nhưng sức khỏe yếu hơn nên không thể bước ra khỏi nhà. Tình cảnh này đã kéo dài gần hai năm nay, sau khi các tuyến đường dọc theo tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm được nâng cao để chống ngập.

Còn hàng ngàn gia đình khốn khổ

Tiếp xúc với chúng tôi vào chiều 4-12, bà Nguyễn Thị Tuyền cho biết gia đình bà khó khăn nên phải chấp nhận sống trong căn nhà ẩm thấp, tồi tàn. “Tưởng nâng đường thì cuộc sống sẽ khá hơn chứ ai ngờ nhà lại biến thành cái hầm như thế này. Chẳng biết đến bao giờ gia đình tôi mới có tiền để sửa nhà…” - bà bộc bạch.

Đi dọc tuyến đường Tân Hóa - Lò Gốm, chúng tôi bắt gặp rất nhiều căn nhà bị biến thành hầm, hoang tàn, một số căn cửa đóng im ỉm. “Nhà thấp quá, họ không ở được nên phải đi chỗ khác. Hiện tôi cũng không rõ họ đi đâu, cuộc sống như thế nào” - ông Hùng, nhà gần mấy căn “nhà hang” khóa cửa trong một con hẻm nhỏ, gần đường Tân Hóa (phường 14, quận 6), cho hay. Ông Hùng cho biết nhà ông cũng bị ảnh hưởng bởi dự án nâng đường, gia đình ông phải chạy vạy nhiều nơi mới có tiền nâng nền lên theo.

Tương tự, ở một số quận khác người dân cũng đang khổ sở vì sống cảnh “nhà hang”.

Nhà của ông Lê Văn Thắng ở đường Đặng Nguyên Cẩn, phường 14, quận 6 (TP.HCM) thấp hơn mặt đường gần 1 m, gây trở ngại nhiều đến sinh hoạt của gia đình. Ảnh: TT

Đề xuất hỗ trợ cho người nghèo

Theo tổng hợp của Sở Xây dựng, các địa phương có số nhà bị ảnh hưởng nhiều bởi các dự án nâng đường hiện nay là quận 6, quận 8, Bình Thạnh, Thủ Đức, Bình Tân. Trong đó, quận 8 đứng đầu với số nhà dân bị ảnh hưởng lên đến 7.135 căn. Dự kiến trong năm 2016, trên địa bàn quận 8 phát sinh thêm 426 căn nhà trũng, thấp do năm dự án nâng đường, nâng hẻm.

Trao đổi với chúng tôi, một thành viên trong tổ công tác liên ngành (về xây dựng quy định về mức hỗ trợ cho những trường hợp bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường) cho biết sau nhiều đợt tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhiều cơ quan vào cuối tháng 11-2016, Sở Xây dựng đã đề xuất với TP phương án hỗ trợ cho người dân.

Theo đó, đối với địa bàn quận 6, hiện có 617 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó có 170 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn sẽ được ngân sách TP hỗ trợ không hoàn lại khoảng 4,9 tỉ đồng. Với 447 trường hợp còn lại sẽ được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Phát triển nhà ở của TP hơn 18,2 tỉ đồng. Đối với địa bàn quận 8, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức, theo đề xuất của Sở Xây dựng sẽ có 1.563 trường hợp được ngân sách TP hỗ trợ không hoàn lại khoảng 42 tỉ đồng. Hơn 6.250 trường hợp còn lại sẽ được hỗ trợ vay ưu đãi hơn 240 tỉ đồng.

Khung giá hỗ trợ dự kiến

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, có hai hình thức hỗ trợ gồm hỗ trợ không hoàn lại và cho vay ưu đãi. Đối tượng áp dụng theo quyết định này là những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không đủ kinh phí để sửa chữa, cải tạo nhà.

Theo đó, đơn giá nâng nền nhà dân sẽ được hỗ trợ ước tính hơn 262.000 đồng/m2, đơn giá sửa chữa cải tạo nhà khoảng 398.000 đồng/m2. Chi phí cải tạo mặt tiền nhà và hệ thống thoát nước khoảng hơn 12 triệu đồng. Với khung giá này, một căn nhà có diện tích 70 m2 bị trũng thấp so với mặt đường 1 m tổng mức hỗ trợ khoảng 60,2 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm