Nhà thầu ngoại ‘níu’ dự án cao tốc

Nhiều nhà thầu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc... đang đảm trách nhiều gói thầu ở dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (ĐN - QN). Dự án này có tổng cộng 13 gói thầu, trong đó Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ vốn tám gói và Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn cho năm gói thầu.

Nhà thầu ngoại chậm tiến độ

Gói thầu A3 đi qua huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) do Công ty Công trình Giao thông Giang Tô (Trung Quốc) thi công hiện chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra.

Công ty này thi công ở đoạn dài khoảng 10,6 km, gồm các hạng mục chính như ba cầu (dài hơn 1 km), 14 cống hộp dân sinh, 28 cống thoát nước... Hợp đồng trị giá hơn 1.362 tỉ đồng. Đến nay nhiều hạng mục vẫn “giậm chân tại chỗ”. Lý do được đưa là là chủ đầu tư (Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) chưa bàn giao đủ mặt bằng.

Tương tự, tại gói thầu số 4 do Công ty Xây dựng và Kỹ thuật Lotte (Hàn Quốc) phụ trách, thi công đoạn đường dài 15 km qua huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) cũng ì ạch. Chuyện chậm trễ này vừa được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nhắc nhở. Công ty này cũng đã thay giám đốc điều hành song đến nay, tiến độ của gói thầu vẫn chưa bắt kịp kế hoạch. Ông Uông Huy Hoàng, đại diện Ban quản lý dự án đường cao tốc ĐN - QN (thuộc VEC), nhận xét nhà thầu Lotte đã tăng cường các mũi thi công nhưng tiến độ vẫn chậm.

Đặc biệt, gói thầu do Công ty Posco (Hàn Quốc) thi công đoạn qua huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) hầu như vẫn chưa triển khai gì. Ông Đặng Văn Minh - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết vừa đi kiểm tra nhận thấy nhà thầu thi công rất chậm. “Ở gói thầu do Posco thực hiện hầu như không làm gì. Họ chỉ mới tập kết máy móc, thiết bị, trong khi địa phương đã bàn giao hơn 92% mặt bằng. Vì vậy, chủ đầu tư cần có biện pháp xử lý nhà thầu này, không nên để ảnh hưởng đến cả dự án”.

Nhiều nhà thầu ngoại thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chậm tiến độ. Ảnh: TT

Do “vướng mặt bằng”

Lý giải sự ì ạch ở nhiều gói thầu, ông Hoàng Việt Hưng - Giám đốc BQL dự án đường cao tốc ĐN - QN nói: “Lúc lên tiến độ thi công thì chúng tôi xác định nhận được mặt bằng sạch 100%. Nhưng khi thi công thì nhiều điểm bị nghẽn vì vướng mặt bằng. Vì vậy, các nhà thầu nước ngoài yêu cầu chủ đầu tư phải bàn giao mặt bằng sạch mới thi công. Đà Nẵng đã bàn giao mặt bằng nhưng nhiều đoạn qua Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn còn vướng”.

Theo ông Đặng Văn Minh - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi, đoạn tuyến qua Quảng Ngãi đã cơ bản giải tỏa được gần 94%. Phần còn lại đang được các địa phương gấp rút giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30-9. Tương tự, đại diện VEC cũng cho biết dự kiến đến cuối tháng 8-2015, quá trình khảo cổ khu vực di tích Triền Tranh (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) mới thực hiện xong. Khi đó, mặt bằng mới được giao cho đơn vị thi công. “Các địa phương đã khẳng định đến ngày 30-9 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng. Trên cơ sở này, chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu cập nhật lại tình hình giải phóng mặt bằng để có phương án thi công hợp lý. Nơi nào đã có mặt bằng thì thi công ngay. Đối với những phần bị chậm, VEC yêu cầu nhà thầu nước ngoài phải bổ sung thiết bị, công nghệ để đẩy nhanh tiến độ cho kịp kế hoạch” - ông Hưng nói.

Loại máy móc, thiết bị lạc hậu

Theo ông Uông Huy Hoàng, BQL dự án đường cao tốc ĐN - QN, phụ trách địa bàn Quảng Ngãi cho biết các gói thầu đang thi công những phần việc đơn giản nên nhà thầu sử dụng công nghệ, thiết bị phổ thông, bình thường. Đến những hạng mục khó như làm cầu, cống mới rõ nhà thầu dùng công nghệ cũ hay mới. Tuy vậy, chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát đưa ra khỏi công trường những máy móc, thiết bị không đúng yêu cầu. Những trường hợp thi công không theo quy trình, thiết bị thi công lạc hậu đều bị loại bỏ nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ của tuyến cao tốc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm