Nhà đầu tư rục rịch xuống tiền, cổ phiếu địa ốc tăng giá

Thị trường chứng khoán năm 2020 kết thúc theo cách không nhiều nhà đầu tư nghĩ đến sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Nguyên nhân dòng tiền bất ngờ tăng mạnh sau quý I-2020 được cho là đến từ việc Chính phủ Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh. Các chỉ số sau đó có sự hồi phục rất tốt dù cũng đôi lúc gặp khó khăn bởi sự bùng phát của dịch lần hai.

Đáng chú ý, với nhiều kỳ vọng từ sự hồi phục về kết quả kinh doanh nên nhiều cổ phiếu nhóm ngành BĐS gồm BĐS dân cư, BĐS khu công nghiệp (KCN), văn phòng cho thuê… đều ghi nhận mức tăng tích cực sau khi kết thúc năm 2020. Trong số 113 cổ phiếu BĐS đang giao dịch trên ba sàn HOSE, HNX và UPCoM, năm 2020 có đến 82 mã tăng giá so với cuối năm 2019, đáng chú ý có 18 mã tăng trên 100%.

Dự báo năm 2021, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng các điều kiện pháp lý sẽ thuận lợi hơn đến từ những thay đổi tích cực trong Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định 148/2020.

Bên cạnh đó, việc lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm sẽ làm cho nguồn cầu tiếp tục ổn định trong thời gian tới với bối cảnh giá nhà chưa có dấu hiệu giảm. Ngoài ra, nguồn cầu tiềm năng từ người lao động nước ngoài ở các công ty FDI dịch chuyển sang Việt Nam là một trong những yếu tố hỗ trợ tốt hơn cho thị trường chung. Từ đó, các chủ đầu tư có thể mạnh dạn trong việc triển khai dự án.

Các chuyên gia dự báo bước sang năm 2021, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục hưởng lợi. Với tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh như hiện nay, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục hút vốn cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.

Bàn về cơ hội của BĐS công nghiệp trong năm nay, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho biết với xu thế dịch chuyển kinh tế toàn cầu, Việt Nam được xem là sẽ hưởng lợi từ việc dời các nhà máy từ Trung Quốc sang. Theo đó, các công ty kinh doanh KCN sẽ được hưởng lợi và cổ phiếu ngành này rục rịch tăng giá.

Tuy nhiên, vào trong thế trận các công ty đầu tư KCN hiện nay mới thấy không “dễ ăn”. Với các công ty có quỹ đất lớn giá rẻ trước đây, hoạt động kinh doanh sẽ thuận lợi nhưng nếu phải đi kiếm đất mới làm KCN cho thuê thì khả năng rủi ro cao, lãi suất thấp.

“Cũng giống đầu tư nhà ở, nếu dự án vướng phải nhiều khó khăn, nguy cơ lỗ cao hơn khả năng lời. Vì trước đây, dự án KCN chi phí đền bù giá đất rẻ hoặc Nhà nước giao đất nên chi phí đầu tư ban đầu thấp. Còn hiện nay, chủ đầu tư KCN phải thỏa thuận người dân, đền bù theo giá thị trường, chi phí cao” - TS Hiển lý giải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm