Nhà đầu tư ngoại quan tâm M&A bất động sản

Mặc dù thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực bất động sản từ đầu năm đến nay chỉ chiếm 5% tổng nguồn vốn thu hút nhưng lĩnh vực này vẫn đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng. Trong đó, số vốn đăng ký mới đạt 634 triệu USD cùng 25 dự án mới. 

Nhà đầu tư ngoại quan tâm M&A bất động sản.

Nguồn FDI vào lĩnh vực bất động sản vẫn chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản. 

Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhận định, cùng với việc thu hút nguồn FDI, hoạt động M&A (mua bán – sáp nhập) diễn ra khá thuận lợi.

Đặc biệt, khi Luật Kinh doanh bất động sản chính thức có hiệu lực từ giữa năm 2015 đã cho phép doanh nghiệp được công khai, mua bán và chuyển nhượng dự án, sẽ là điều kiện thuận lợi đối với hoạt động M&A bất động sản.

Theo khảo sát của Công ty TNHH Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL) – đơn vị chuyên quản lý và tư vấn bất động sản, hoạt động M&A thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản.

JLL phân tích, Việt Nam được nhìn nhận là thị trường hấp dẫn so với nhiều nước Đông Nam Á khác, vì nền kinh tế và thị trường bất động sản đang cải thiện. Do đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào các tài sản sinh lợi tại những thành phố lớn của Việt Nam.

Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước khi thực hiện M&A sẽ khó khăn hơn về vốn nếu các ngân hàng thắt chặt hoạt động cho vay.

JLL cũng “điểm mặt” vài thương vụ đình đám M&A có yếu tố nước ngoài diễn ra trong quý 2/2016.

Đó là dự án khu phức hợp gồm 21 tầng diện tích văn phòng, khu căn hộ dịch vụ 32 tầng cùng khu khách sạn 21 tầng và khối đế thương mại (loại hình bán lẻ nhánh của trung tâm thương mại hoặc trung tâm bán lẻ nằm dưới khu phức hợp, như tòa nhà văn phòng hay chung cư) tại 39 Lê Duẩn, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh được chuyển nhượng từ Tập đoàn Kumho Industrial Company Limited sang Công ty Mapletree Investments Pte Ltd (Singapore).

Giá trị của thương vụ chuyển nhượng này ước tính trên 200 triệu USD. Cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh còn có thêm vụ M&A tại dự án phát triển căn hộ trên khu đất 1 ha thuộc Quận 2.

Tại dự án này, Frasers Centrepoint Limited tham gia dưới hình thức hợp tác có điều kiện với 70% cổ phần trong dự án G Homes, 30% còn lại vẫn thuộc về Tập đoàn An Dương Thảo Điền.

Thị trường Hà Nội nổi lên thương vụ M&A tại khu cao ốc căn hộ dịch vụ với 155 căn hộ cho thuê và 20 biệt thự. Phía Công ty Keppel Land (Singapore) đã chuyển nhượng 70% cổ phần cho Tập đoàn BRG với mức giá ước tính khoảng 22,4 triệu USD cho số cổ phần tương ứng.

Tuy nhiên, Đà Nẵng lại đang được nhiều nhà đầu tư “nhòm ngó” và các chuyên gia bất động sản cũng đánh giá đây là nơi hội tụ những yếu tố mà hai đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không cạnh tranh nổi. Ưu điểm về hạ tầng, môi trường, sản phẩm đặc thù… đang là lợi thế để hoạt động M&A cũng như bất động sản ở Đà Nẵng phát triển.

Theo ông Marc Townsend - Giám đốc điều hành CBRE, các yếu tố thúc đẩy M&A phát triển mạnh là cơ sở hạ tầng tốt, chính quyền quan tâm hỗ trợ và tạo thuận lợi. Tuy nhiên, muốn M&A diễn ra hiệu quả, đầu tiên cần phải thông tin chính xác về sản phẩm, minh bạch về thông tin.

M&A nếu được giao dịch thành công sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho cả người mua lẫn người bán. Nếu đầu tư một dự án từ ban đầu, khách hàng cần ít nhất vài năm, nhưng nếu qua M&A thì chỉ mất 6 – 8 tháng.

Mọi ý kiến đóng góp vui lòng gởi về địa chỉ email: batdongsanplo@gmail.com hoặc hotline: 0996 166177.

Theo THU HẰNG (TTXVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm