Ngành bất động sản: Cần rút ngắn thời gian thủ tục đầu tư

Chiều ngày 6-6, tại FLC Sầm Sơn (Thanh Hoá) đã diễn ra cuộc toạ đàm “Thăng trầm bất động sản 2010 -2020 và những xu hướng sắp tới” do Hội doanh nhân trẻ Việt Nam và Câu lạc bộ doanh nhân Sao đỏ phối hợp tổ chức. Cuộc toạ đàm có khoảng 200 khách mời gồm các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp (DN), hiệp hội bất động sản (BĐS) tham dự.

Tại cuộc toạ đàm, các đại biểu đã khái quát lại quá trình phát triển của thị trường BĐS 10 năm qua có thể chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn trầm lắng từ 2010-2013 thị trường đóng băng, BĐS ngủ đông khiến Chính phủ phải đưa ra hàng loạt chính sách giải cứu.

Giai đoạn phát triển nở rộ từ 2013 đến 2019. Đến nay, do nhiều tác động, trong đó có ảnh hưởng của dịch COVID-19 thị trường đang đối diện với chu kỳ trầm lắng tiếp theo.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC cho rằng một trong những tác động lớn đối với thị trường BĐS 2 năm gần đây là chính sách pháp lý “có sự chậm chễ” so với tốc độ phát triển của thị trường BĐS. Việc này khiến tốc độ triển khai của nhiều dự án bị chậm lại, thậm chí nhiều DN nghĩ tới thủ tục, pháp lý là thấy sợ.

Ông Quyết lấy ví dụ thời kỳ 2015 -2016, FLC triển khai hai dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng tại Sầm Sơn và Quy Nhơn chỉ mất 11 tháng bao gồm cả hoàn thiện pháp lý, thủ tục lẫn khởi công xây dựng.

"Tuy nhiên với cơ chế như bây giờ khi không cho phép vừa xây vừa xin giấy phép, phải mất ít nhât ba năm mới đủ giấy phép để thi công sau khi hoàn thành đầy đủ thủ tục, giấy tờ. Pháp lý hiện tại ngày càng khó khăn, DN nghĩ đến pháp lý là sợ",- ông Quyết so sánh.

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh

Chia sẻ về câu chuyện thủ tục, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh cho biết Tân Hoàng Minh từng mua một lô đất vàng tại Hà Nội từ năm 2007, nhưng đến nay 14 năm vẫn chưa làm xong thủ tục để có thể khởi công xây dựng.

“Vị trí vàng có đẹp đến đâu, nhưng để 10-15 năm không khởi công được thì cũng thành lỗ”, - ông Dũng nói.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh đánh giá thị trường BĐS Việt Nam còn rất nhiềm tiềm năng, dư địa để phát triển. Theo ông có hai nguyên nhân chính khiến các tiềm năng này chưa được khai thác.

"Tại sao bất động sản chưa phát triển tốt như nước khác? Một trong các nguyên nhân đến từ cơ chế chính sách, thủ tục hành chính công. Thứ hai, ngân hàng Nhà Nước thiếu các chính sách hợp lý cho nhóm tín dụng bất động sản", ông Dũng nói.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Đồng tình với chia sẻ của các DN, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói: “Tôi ngồi nhiều với các tập đoàn, quản lý cấp cao của nhiều DN, họ nói khi đầu tư dự án không sợ thời gian kéo dài 3-6 hay 9 tháng mà sợ nhất là sự bất định kiểu “chúng tôi sẽ xem xét”. Mà bất định thì không DN nào dám xuống tiền đầu tư”.

Ông Nguyễn Cảnh Hồng,Tổng giám đốc Công ty Eurowindow, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Sao đỏ cho hay qua khảo sát mới đây về các vấn đề DN bất động sản quan tâm, thì 100% ý kiến cho rằng vấn đề thủ tục hành chính là vấn đề hàng đầu; 81% ý kiến cho hay các các chính sách, điều luật còn vênh nhau; 36% ý kiến cho hay gặp khó khăn về tiếp cận đất đai và giải phóng mặt bằng; tiếp đó là ảnh hưởng của đại dịch COVID, chính sách tài chính…

“Đây chính là những vấn đề mà các DN BĐS muốn kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm tháo gỡ” – ông Hồng nói.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng nói: “Chúng tôi không cần nhà nước hỗ trợ ảnh hưởng COVID-19, nên dành hỗ trợ này cho những ngành khác như hàng không, ô tô, vận tải thì tốt hơn. Cái chúng tôi cần là rút ngắn thời gian làm các thủ tục đầu tư dự án từ 3-4 năm xuống 1-2 năm”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm