Mường Thanh kiện Đà Nẵng: Nhiều câu hỏi cần TP làm rõ

Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, chủ đầu tư dự án Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) vừa gửi đơn khởi kiện (bổ sung, sửa đổi) cho TAND TP Đà Nẵng.

Đơn khởi kiện mới của chủ đầu tư kiện chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng và chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn.

Đối tượng bị khiếu kiện gồm ba quyết định của chủ tịch Đà Nẵng, hai quyết định của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng và một quyết định của phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn.

Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà. Ảnh: TẤN VIỆT

Mường Thanh được điều chỉnh công năng?

Trong đơn khởi kiện, chủ đầu tư cho rằng có sự bất nhất trong văn bản xử phạt hành chính của Sở Xây dựng Đà Nẵng. Cụ thể, ngày 26-6-2016, Sở Xây dựng ra Quyết định 126 xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình sai phạm của Mường Thanh. Đến ngày 27-3-2019, Sở Xây dựng lại ra Quyết định 07 hủy bỏ Quyết định 126. “Điều này không đúng quy định pháp luật do hết thời hiệu” - chủ đầu tư cho hay.

Chủ đầu tư cũng cho rằng chính quyền Đà Nẵng có sự bất nhất trong chủ trương. Dẫn chứng các thông báo 130 ngày 19-8-2016, Văn bản 7097 ngày 24-8-2016, Văn bản 41 ngày 25-8-2016… của các cấp, ngành liên quan tại Đà Nẵng, chủ đầu tư cho hay phần điều chỉnh công năng từ tầng 2-5 của khối chung cư đã được các cấp chính quyền TP Đà Nẵng chấp thuận bằng chủ trương.

Theo chủ đầu tư, các sở, ban, ngành Đà Nẵng đã cơ bản nhất trí chủ trương giao cho chủ đầu tư đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp nhà trẻ, công viên cây xanh phục vụ dự án để được chuyển đổi công năng từ tầng 2-5 của khối chung cư.

Ngoài ra, chủ đầu tư cho hay Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng từng có Văn bản 868 khẳng định “Những đề nghị của chủ đầu tư về điều chỉnh thiết kế công năng của một số tầng công trình là hợp lý, về nguyên tắc có thể chấp nhận được”.

Văn bản 650 ngày 14-8-2017 điều chỉnh thiết kế cơ sở của Cục Quản lý hoạt động xây dựng cũng đồng ý điều chỉnh công năng tầng 2-5 và khẳng định hồ sơ phù hợp với các quyết định trước đó của UBND TP Đà Nẵng.

Cũng theo chủ đầu tư, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH - Bộ Công an từng có Văn bản 3829 thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế điều chỉnh công trình, trong đó đồng ý về phòng cháy, chữa cháy đối với điều chỉnh bố trí công năng tầng 2-5 khối chung cư.

“Nhưng khi chủ đầu tư tiến hành xin cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh thì lại gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại từ chính quyền trong khi trước đây chính quyền đã đồng ý chủ trương” - chủ đầu tư cho hay.

Chủ đầu tư Mường Thanh tại Đà Nẵng cho rằng lãnh đạo TP có sự bất nhất trong chủ trương. Ảnh: TẤN VIỆT

Những đề xuất còn bỏ ngỏ của chủ đầu tư

Theo Phòng pháp chế của chủ đầu tư dự án, đơn vị đã báo cáo đề xuất phương án xử lý các tầng 1-5 khu chung cư của dự án. Hiện chủ đầu tư đã cho dỡ bỏ khu vực siêu thị ở tầng một để làm nơi đỗ xe cho cư dân. Diện tích 690 m2 tại tầng một, chủ đầu tư từng xin chuyển đổi công năng thành 520 m2 chỗ đậu xe máy và 170 m2 phòng tập gym.

Khu vực 550 m2 đất chưa sử dụng, chủ đầu tư xin được xây dựng nhà để xe ô tô tự động dạng xếp hình cao sáu tầng, để được 80 ô tô. Khu vực tầng năm, chủ đầu tư đã mua lại các căn hộ và đã có văn bản xin thi công, bố trí khu vực nhà trẻ với khoảng 450 cháu, phòng sinh hoạt cộng đồng diện tích 193 mnhưng Sở Xây dựng không đồng ý cho thi công.

Đồng thời, chủ đầu tư đề nghị được sử dụng hai tầng hầm của khối khách sạn, tổng diện tích 4.500 m2 để phục vụ đỗ xe cho cư dân khối căn hộ. Chủ đầu tư cũng cam kết đảm bảo cho cư dân được sử dụng bể bơi cùng với khách sạn và sử dụng hội trường, phòng họp tại khách sạn để tổ chức những sự kiện lớn khi cư dân có nhu cầu… Phòng Pháp chế của chủ đầu tư cho hay tất cả những đề nghị trên chưa được Đà Nẵng chấp thuận.

“Trong các quyết định của mình, TP Đà Nẵng thể hiện sự cứng nhắc, không tôn trọng kiến nghị, quyền lợi của doanh nghiệp, ra các quyết định “lợi ít, hại nhiều” là một tiền lệ rất nguy hiểm, làm xấu đi môi trường kinh doanh ở Đà Nẵng” - chủ đầu tư cho hay.

Từ những lý lẽ trên của chủ đầu tư, PLO đã trao đổi và đặt câu hỏi cho lãnh đạo TP Đà Nẵng. PV đã hỏi ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, vì sao TP từng đồng ý về mặt chủ trương cho chủ đầu tư chuyển đổi công năng từ tầng 2-5 nhưng không cấp giấy phép điều chỉnh. Tuy nhiên, ông Thơ không trả lời mà đề nghị PV hỏi Sở Xây dựng.

PV đã đặt cùng câu hỏi trên cho ông Lê Tùng Lâm, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng nhưng không nhận được câu trả lời. Ông Lê Văn Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, cũng cho rằng không được giao phát ngôn nên không nói được.

Riêng nội dung hủy bỏ Quyết định 126 ngày 26-6-2016, ông Lê Văn Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho hay quyết định này sai sót hai nội dung. Thứ nhất là đối tượng bị xử phạt phải là doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên chứ không phải chi nhánh của chủ đầu tư này tại Đà Nẵng. Thứ hai, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chủ đầu tư tháo dỡ phần vi phạm chứ không phải cho thời hạn nhất định để chủ đầu tư xin điều chỉnh giấy phép.  

“Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính, trường hợp nó (Quyết định 126 - PV) sai thì phải hủy nên thanh tra sở báo cáo lãnh đạo hủy Quyết định 126” - ông Tuấn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm