Làng biển xôn xao trước dự án hàng ngàn hecta của FLC

“Ngày nào cũng nghe nói chuyện về FLC, mình lo lắm”, anh Đinh Chí Cường (thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) nói ngay khi gặp chúng tôi trên con đường mòn dẫn xuống biển.

Theo anh Cường, chủ trương của chính quyền thì người dân nghe theo. Nhưng tái định cư người dân đi xa mà không có điều kiện làm biển, không có cảng thì dân nhất quyết không đi.

Anh Đinh Chí Cường lo lắng nếu không còn được xuống biển thì không biết làm gì để kiếm sống. Ảnh: TẤN VIỆT

“Nhờ có mặt biển mà làm vậy thì dân đói chết luôn. Họ đền bù một lần rồi ăn hết sau này lấy gì làm. Dân biển mà đưa lên đất liền vậy thì lấy gì họ làm. Giờ đi thì cũng phải ở biển, có cảng chứ còn đi lên làm nông thì không biết làm, chết đói. Nhờ biển mà sống chứ đất cát có bao nhiêu đâu” - anh Cường nói.

Gần chục người dân tập trung gần đó cũng thi nhau bày tỏ quan điểm khi thấy PV tiến lại.

Theo chị Huỳnh Thị Năm (49 tuổi), chính quyền muốn dời dân đi nhường đất cho dự án của Tập đoàn FLC thì phải làm nhiều con đường cho ngư dân làm ăn gần biển, xa biển là không được.

“Phải để con đường cho dân chúng tôi đi lên đi xuống. Múc một con lạch để neo đậu tàu thuyền. Còn nếu dời đi thì cũng trong khu vực ở đây, đi xa thì không đi. Đi xa thì khó khăn, thất nghiệp và đói” - chị Năm khẳng khái nói.

Tại xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), bà Lê Thị Ngọc cùng chồng bày tỏ lo lắng: “Nghe nói họ lấy biển. Không biết khi nào thì làm nhưng nghe vậy cũng lo lắm. Dân ở đây 100% làm biển. Nếu không cho làm nữa thì chết đói, lên bờ biết làm gì nữa”.

Trao đổi với PV, ông Võ Văn Phấn (Bí thư Đảng ủy xã Bình Hải) khẳng định tỉnh chưa đưa ra cơ chế đền bù, kiểm kê áp giá.

“Chưa họp dân thì lấy đâu mà tổ chức khởi công. Giờ các hộ dân chưa biết hộ nào nằm trong diện tích sẽ dùng để khởi công” - ông Phấn nói.

Ông Võ Văn Phấn (Bí thư Đảng ủy xã Bình Hải). Ảnh: TẤN VIỆT

Về tiến độ giải phóng mặt bằng, ông Phấn cho hay phải thông báo cho dân biết ít nhất 30 ngày. Sau đó thì chỉ đạo dừng xây mới công trình. Không được trồng cây lâu năm. Người dân có nhu cầu muốn sửa chữa nhà cũng phải xin cơ quan chức năng cho sửa chữa.

“Giờ chưa có thông báo gì hết, mới có thông báo tổng thể thôi. Chưa biết phương án đền bù, chưa biết gì hết. Chưa họp dân nữa mà. Đến ngày 19-5 khởi công thì không khả thi gì hết” - ông Phấn nói.

Trước việc người dân các xã di dời sẽ về tái định cư tại xã Bình Châu, ông Phùng Bá Vương (Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu) thông tin, toàn xã đang có 17.000 dân. Mà di dân ra nữa thì có hại cho dân về an ninh trật tự, rất phức tạp.

“Di dân tái định cư về đây thì không phù hợp với Bình Châu” - ông Vương nói.

Thông tin từ UBND huyện Bình Sơn cho hay toàn huyện hiện có 1.250 tàu thuyền. Trong đó có khoảng 550 tàu đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Ngoài ra còn có 650 hộ nuôi trồng thủy sản ven biển.

Trước đó tại buổi tiếp xúc cử tri đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi ngày 27-4, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ trấn an rằng thông tin khởi công dự án ngày 19-5 theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi “chỉ là dự kiến”.

Ông Chữ cũng khẳng định sẽ họp dân các xã, thông báo rộng rãi chủ trương về dự án khi có quyết định chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

“Vừa rồi mình cho chủ trương để khảo sát lập dự án đề xuất đầu tư. Đến giờ phút này tỉnh chưa có gì gọi là quyết chủ trương đầu tư cả” - ông Chữ nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm