Làm rõ các dự án 'ma' của Công ty Địa ốc Hưng Thịnh Phát

Ngày 19-11, nguồn tin của PLO cho biết ông Lương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký văn bản khẩn gửi Công an tỉnh Bình Thuận cùng các Sở Xây dựng; KH&ĐT cùng UBND TP Phan Thiết và Hàm Thuận Bắc.

Khách hàng yêu cầu trả lại tiền tại trụ sở công ty ở quận 9, TPHCM

Theo đó, ngày 12-11, báo Pháp Luật TP.HCM có đăng bài: “Rao bán dự án “ảo” ngay sát trụ sở công an”, phản ảnh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Hưng Thịnh Phát chưa có dự án nào được cấp có thẩm quyền ở Bình Thuận phê duyệt nhưng vẫn rao bán rầm rộ.

Về vấn đề này, chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT; Công an tỉnh; UBND Hàm Thuận Bắc, TP Phan Thiết và các cơ quan, địa phương có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh. Nếu đúng như thông tin phản ảnh thì có biện pháp xử lý nghiêm, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25-11.

Cùng ngày, trao đổi với PLO, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết các dự án của Hưng Thịnh Phát như PLO nêu thì Sở Xây dựng chưa hề cấp phép và đang khẩn trương chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng làm rõ.

Như đã đưa tin, liên tiếp nhiều ngày qua, rất đông khách hàng kéo đến Chi nhánh Công ty CP Đầu tư và phát triển địa ốc Hưng Thịnh Phát (Trương Hán Siêu, TP Phan Thiết, Bình Thuận) để yêu cầu trả lại tiền đã nộp mua đất nền các dự án của công ty này. Đây là những khách hàng đã đặt cọc, nộp 50% tiền mua đất, thậm chí có người nộp đến 95% tiền mua đất tại nhiều dự án của công ty này. Khách hàng nộp ít nhất là hơn 400 triệu đồng và có nhiều khách đã nộp gần 5 tỉ đồng cho công ty.

Một dự án của Hưng Thịnh Phát tại Phan Thiết

Tuy nhiên, gần một năm trôi qua mà khách vẫn không được giao đất, công ty cũng không trả lại tiền hay lãi suất như đã cam kết. Nhiều người đi tìm hiểu mới tá hỏa phát hiện các dự án của công ty này từ Phan Thiết đến Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc đều là đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sang đất ở.

Được biết ngoài việc kéo đến chi nhánh công ty ở TP Phan Thiết đòi lại tiền, nhiều khách hàng tại TP.HCM còn giăng băng rôn trên ô tô đến đậu trước trụ sở của công ty tại quận 9 để yêu cầu ông Nguyễn Hữu Kha, lãnh đạo công ty trả lại tiền mua đất cho họ.

Theo nhiều người mua, từ tháng 11-2018 đến nay, Công ty Hưng Thịnh Phát đã mở bán ít nhất 10 dự án khu dân cư cao cấp với hình ảnh hoành tráng và tên gọi ấn tượng như City 1, City 2, City 3; Hàm Liêm 1 - Hàm Liêm 5; Phong Nẫm; Hưng Thịnh Phát Residence Phan Thiết; Ma Lâm Diamond Town… Hàng trăm nền đất đã được công ty bán và thu tiền.

Tương tự như cách thức Công ty Địa ốc Alibaba đã làm, công ty này cũng quảng cáo rầm rộ bằng hình ảnh bắt mắt, tên gọi ấn tượng; đưa ra chiêu bài trả lãi suất cao nếu chưa giao đất khiến khách hàng tin tưởng đầu tư dù chưa biết mặt mũi khu dân cư đó ra sao.

Được biết hầu hết dự án của công ty này đều là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, chưa có một dự án nào được cấp có thẩm quyền ở Bình Thuận đồng ý phê duyệt. Thậm chí có dự án như Ma Lâm Diamond Town chỉ là một dự án ma, nằm cách trụ sở UBND huyện và trụ sở Công an huyện Hàm Thuận Bắc 200 m.

Sau khi bị khách hàng liên tiếp gây áp lực, ngày 17-11, ông Nguyễn Hữu Kha, Giám đốc công ty, đã có mặt ở Phan Thiết để làm việc. Nhiều khách hàng khẳng định mục đích của họ hiện nay là lấy lại tiền vì biết chắc chắn các dự án của công ty này đều là dự án ma. Tại buổi làm việc, ông Kha cho rằng mình không lừa đảo, nếu lừa đảo đã bỏ trốn và cam kết sẽ trả lại tiền. Đối với một số dự án, ông Kha cho biết sẽ giao sổ photo có sao y công chứng cho khách hàng nhưng tất cả các khách hàng đều phản đối, không đồng ý.

Ông Kha làm việc với khách hàng tại chi nhánh công ty

Trước đó, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản gửi Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín. Theo đó, CQĐT đề nghị ngân hàng này tạm thời phong tỏa tài khoản của ông Nguyễn Hữu Kha. Theo CQĐT, bà TTBP ngụ phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Hữu Kha (29 tuổi) ngụ Sông Lũy, Bắc Bình, Bình Thuận có hành vi lừa dối trong hợp đồng đặt cọc, bán đất. Trong đơn tố cáo, bà P. cho rằng ông Kha đã nhận tiền đặt cọc mua đất của mình. Lợi dụng lòng tin bà nhờ đứng tên trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ông Kha đã chiếm đoạt luôn số tiền này cùng nhiều tỉ đồng bà P. cho ông vay.

Theo CQĐT, với tài liệu ban đầu, xác định bà P. nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của ông Kha. Do đó, để ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra và phục vụ công tác điều tra, xác minh nên cần thiết phải phong tỏa tài khoản của ông Kha để làm rõ vụ việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm