Hàng trăm nhà đầu tư mong thoát 'chết trên đống tài sản'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Bộ KH&ĐT vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp góp ý sửa đổi Luật Đầu tư 2020, kiến nghị sửa đổi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 luật này.

Theo đó, quy định hiện hành chỉ cho phép lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp duy nhất là nhà đầu tư (NĐT) có quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở (có 100% đất ở). Còn lại tất cả trường hợp NĐT nhận chuyển QSDĐ không phải là đất ở đều không được công nhận.

Ảnh minh họa

Bộ KH&ĐT kiến nghị điều chỉnh nội dung trên theo hướng NĐT “có QSDĐ ở hoặc các loại đất khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), việc sửa đổi, bổ sung quy định như trên sẽ làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, sớm đưa đất vào sử dụng để đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất đai tiết kiệm và có hiệu quả, không làm thất thoát nguồn lực đất đai.

Đồng thời điều này cũng tháo gỡ khó khăn cho nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn để tạo lập quỹ đất mà không thể triển khai thực hiện được dự án.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết trên thực tế trong giai đoạn 2015-2020, khoảng 95% tổng số dự án nhà ở thương mại do không có 100% đất ở nên không được công nhận chủ đầu tư.

Hệ quả là không thể triển khai thực hiện được dự án trong khi NĐT đã bỏ ra một nguồn vốn rất lớn để tạo lập quỹ đất.

NĐT bị chôn vốn nên cực kỳ khó khăn, có thể bị “chết trên đống tài sản”. Điều này dẫn đến môi trường đầu tư trong lĩnh vực bất động sản thiếu sự minh bạch, công bằng và cạnh tranh lành mạnh. 

Cụ thể, theo báo cáo của HoREA, kể từ ngày 10-12-2015 (Nghị định 99/2015 có hiệu lực) đến tháng 8-2018, tại TP.HCM đã có 126 dự án nhà ở thương mại có đất hỗn hợp, không có 100% đất ở nên không được công nhận chủ đầu tư. 

Ông Châu giả định mỗi dự án nhà ở thương mại trên đây có vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng thì tổng mức đầu tư của 126 dự án sẽ là 126.000 tỉ đồng.

Như vậy, việc không được công nhận chủ đầu tư 126 dự án này dẫn đến việc Nhà nước bị thất thu 12.600 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng (thuế suất 10%), thất thu khoảng 5.000 tỉ đồng thuế thu nhập DN (thuế suất 20%). 

Vì vậy, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014) theo hai phương án.

Một là NĐT có quyền sử dụng, nhận chuyển QSDĐ ở hoặc các loại đất khác thông qua nhận chuyển nhượng QSDĐ ở hoặc các loại đất khác. Hai là NĐT có quyền sử dụng, nhận chuyển QSDĐ thông qua nhận chuyển nhượng QSDĐ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm