Góc nhìn khác về tác động của COVID-19 đến bất động sản

Mới đây, Công ty nghiên cứu thị trường Savills đã công bố báo cáo phân tích về tác động của dịch COVID-19 đối với một số phân khúc trên thị trường địa ốc tại Việt Nam.

Theo đó, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam, cho biết: Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giao hàng tại nhà sẽ tăng trưởng trong khi ngành bán lẻ và du lịch được dự báo sẽ sụt giảm. Tại Hong Kong, các chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ đang giảm giá thuê tới 40% nhưng với thị trường Việt Nam thì có thể phương án này không cần thiết. 

Ảnh minh họa.

Phân tích thêm, ông Troy Griffiths cho rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên công bố hết dịch SARS năm 2003 và sẽ tiếp tục thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh lần này. Trong bối cảnh này, ngành sản xuất tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ “Trung Quốc + 1” - chiến lược mà các các doanh nghiệp nước ngoài đang áp dụng để đa dạng hóa cơ sở sản xuất tới các khu vực khác và giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc. Từ đó sẽ tạo đà tăng trưởng cho nhu cầu cho bất động sản (BĐS) công nghiệp tại Việt Nam.

Đồng tình, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận tư vấn Savills Việt Nam, cho hay: “Về lâu dài khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam. Việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng”. 

Tuy nhiên, Savills cũng cho rằng dịch COVID-19 sẽ có tác động mạnh mẽ tới các phân khúc bán lẻ và du lịch, trong khi đó thị trường văn phòng, BĐS công nghiệp và nhà ở cũng ghi nhận những dấu hiệu giảm nhiệt nhất định.

Giao dịch BĐS thời chống dịch COVID-19. Ảnh: HUYỀN PHẠM

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các nhà hàng, siêu thị ở khu vực quận 2, những ngày này lượng khách tới đây giảm hẳn so với thời gian chưa xảy ra dịch COVID-19. Nhiều mặt bằng ở khối đế tại các chung cư ở khu vực quận 2, quận 9 cũng rơi vào tình trạng khó thoát hàng hoặc không tìm được người cho thuê dù đã giảm giá.

Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn trên tuyến phố Hàn Quốc ở đường Tân Sơn Hòa (Tân Bình) cho biết lượng khách Hàn Quốc và Trung Quốc giảm tới 90% so với trước tết.

Anh Nguyễn Bá Tuân, tiểu thương ở chợ Tân Bình, chia sẻ: "Chúng tôi hiện đang vay vốn ngân hàng dành cho hộ gia đình kinh doanh cá thể. Nếu mọi chuyện kinh doanh bình thường thì việc trả lãi đúng hạn là điều đơn giản. Nhưng từ tết tới giờ, hoạt động kinh doanh vô cùng ế ẩm. Với trăm khoản phải chi, nếu việc kinh doanh không thể khả quan hơn thì không chỉ phải trả lại sạp ở chợ mà tôi không biết phải lo tiền trả lãi ngân hàng ra sao nữa”.

"Ngấm đòn" do dịch, ở TP Đà Nẵng, đồng loạt các khách sạn giảm công suất khai thác 30%-40% so với cùng kỳ. Một số khách sạn công suất chỉ còn 10%-20%, chủ yếu là các khách lẻ và khách online. Các điểm đến du lịch công suất khai thác cũng giảm 30%-40%. 

Trước tình cảnh đó, Hiệp hội Du lịch TP Đà  Nẵng đã kiến nghị lên lãnh đạo TP, đề xuất giảm 50% tiền thuê đất của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong hai năm 2020-2021, cho phép chậm nộp thuế VAT quý IV-2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, đề xuất lùi sang quý III hoặc quý IV-2020. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm