Điều cần biết khi mua nhà, đất dự án

Có nhiều dự án có chất lượng, an toàn về mặt pháp lý, chủ đầu tư (CĐT) có uy tín, người mua rất an tâm. Tuy nhiên, thực tế không ít người mua vấp phải những dự án ma hoặc trễ tiến độ, pháp lý phức tạp... dẫn đến thiệt hại về tiền bạc, mất thời gian giải quyết tranh chấp. Lý do một phần là do người mua vội vàng quyết định tham gia đầu tư dưới tác động của các cơn sốt ảo, tâm lý ham của rẻ nhưng lại chưa nắm rõ thông tin dự án.

Một khi đã đặt cọc mà phát hiện mình bị bất lợi thì người mua sẽ tiến thoái lưỡng nan. Không tiếp tục hợp đồng thì mất cọc mà thực hiện hợp đồng thì chuốc lấy lo lắng. Để người mua tránh rơi vào thế kẹt, luật sư Trần Vân Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM, lưu ý: “Khi được giới thiệu dự án, điều đầu tiên cần làm là kiểm tra thực tế tại địa điểm thực hiện dự án, xác định dự án có thật hay không và đã thực hiện đến đâu. Vì theo quy định pháp luật, bất kể dự án nhà ở hay phân lô bán nền đều phải xây dựng xong hạ tầng (đường, cống thoát nước, cấp nước, điện) mới được mở bán”.

Mua nhà ở hình thành trong tương lai phải lựa chọn nhà đầu tư có uy tín và tiềm lực tài chính mạnh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ngoài ra, không nên giao dịch bằng hợp đồng góp vốn đầu tư để nhận nền, nhận nhà vì đây là một cách thức lách luật của người bán. Dự án phải có hạ tầng mới được bán nhưng nhiều CĐT vẫn mở bán khi chưa đủ điều kiện mua bán và sử dụng loại hợp đồng góp vốn này để huy động vốn. Bản chất của hợp đồng vẫn là mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên hợp đồng này có khả năng sẽ bị vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.

Khách mua phải kiểm tra xem khu đất thực hiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền giao đất cho bên sẽ ký hợp đồng với mình hay chưa. Nhiều trường hợp chưa được giao đất hoặc đang chờ giao đất vẫn lập hợp đồng bán, chuyển nhượng là chưa đủ tư cách của bên bán, bên chuyển nhượng.

Ngoài ra, cần kiểm tra dự án đã được phê duyệt hay chưa, đã bồi thường xong chưa, đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính chưa, quyền sử dụng đất có đang thế chấp ở ngân hàng, đang bị tranh chấp hay không.

“Trường hợp mua thông qua môi giới, ngoài việc kiểm tra các vấn đề trên thì phải lưu ý giữa CĐT với công ty môi giới có hợp đồng môi giới không, nội dung hợp đồng có quy định bên môi giới được ký hợp đồng đặt cọc với khách hàng, được thu tiền của khách hàng hay không, thanh toán bằng hình thức gì” - luật sư Linh hướng dẫn thêm.

Các nội dung trên đều có giấy tờ chứng minh, người mua hãy yêu cầu bên bán trưng ra văn bản để kiểm tra. Thực hiện đầy đủ những nội dung trên sẽ là cơ sở cho việc quyết định có nên đầu tư hay không và khi có tranh chấp thì có chứng cứ để bảo vệ mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm