Địa ốc Alibaba tăng vốn điều lệ kiểu 'bất thường'

Số liệu trên vừa được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra trong báo cáo về hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM vào chiều tối 16-11.

Theo HoREA, tổng số vốn điều lệ lên tới 1.600 tỉ đồng của Công ty Địa ốc Alibaba được góp bởi ba cổ đông gồm ông Nguyễn Thái Lĩnh - Giám đốc và là đại diện pháp luật, góp 10% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thái Luyện, chiếm 80% vốn điều lệ và bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10% vốn điều lệ.

Cẩn trọng với mức tăng bất thường

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đặt câu hỏi với số vốn điều lệ quá lớn, chưa biết các cổ đông đã góp vốn điều lệ đủ hay chưa, cũng chưa biết kết quả kinh doanh và quyết toán thuế năm 2016 như thế nào?

Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đăng ký vốn điều lệ 1.600 tỉ đồng là khác thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường bất động sản. "Đối chiếu với các tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam qua nhiều năm hoạt động đến nay, thì chỉ có một tập đoàn có vốn điều lệ trên 19.000 tỉ đồng và ba tập đoàn tiếp theo cũng chỉ có vốn điều lệ trên dưới 8.000 tỉ đồng, tính đến năm 2016" - HoREA dẫn chứng.

Một bất thường khác nữa là Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM ký kinh doanh ngày 12-10-2017 với vốn điều lệ: 12.000 tỉ đồng và đăng ký góp vốn bằng tiền mặt, không đăng ký góp vốn bằng tài sản.

Theo ông Châu, Luật Doanh nghiệp hiện nay rất thông thoáng nhưng có thể có sơ hở, lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng, thậm chí có thể nhằm mục đích lừa đảo. Việc tăng vốn kiểu “thần tốc” như vậy cần được giám sát, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền để tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng "giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp" ghi số vốn điều lệ rất lớn để lừa dối khách hàng và đối tác. 

Người mua coi chừng trắng tay

Đáng nói hơn nữa, đó là trên trang web của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba công bố 10 dự án phân lô bán nền do công ty này làm chủ đầu tư nhưng không đúng sự thật. Trong các "dự án" đất nền mà công ty công bố có dự án là của chủ đầu tư khác; có "dự án" chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điển hình như dự án Marine City tại Cửa Lấp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu với khoảng 1.000 căn nhà phố, biệt thự thuộc chủ đầu tư là của Công ty TNHH Xây dựng Nam Hải.

Đối với các dự án Alibaba Long Phước 1, 2, 3, 4, 5...  thì Phòng TN&MT huyện Long Thành đã xác định không có dự án nào do Công ty Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư ở huyện Long Thành, Đồng Nai.

Dự án khu đô thị Alibaba Tây Bắc Củ Chi hiện đang là dự án được Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc mời gọi đầu tư. Thế nhưng Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc và Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đều tự xưng là chủ đầu tư khu đô thị này, mở bán 1.000 nền và huy động vốn trái phép bằng "Phiếu đặt chỗ" nhận đặt cọc 50 triệu đồng/nền.

Trước thực trạng đó, hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát lại các quy phạm pháp luật của Luật Doanh nghiệp; Bộ luật Dân sự tương thích với Luật Kinh doanh bất động sản. Qua đó, nhằm đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh những sơ hở, lỏng lẻo, thiếu phối hợp, tạo cơ hội cho kẻ xấu và một số doanh nghiệp đã lợi dụng để huy động vốn trái phép khi bán bất động sản hình thành trong tương lai như đã xảy ra trong thời gian qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm