Di sản Sài Gòn 300 năm: Mất mát kể sao cho hết...

Phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) cho biết khá nhiều công trình có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa nhưng chưa có quyết định xếp hạng di tích, trong đó có những công trình biểu tượng trong lòng người dân Sài Gòn, ví dụ như chợ Bến Thành, Bưu điện TP.HCM...

Phải đề nghị mới được xếp hạng!

Một số công trình chưa xếp hạng là do chưa hoàn tất hồ sơ. Tuy nhiên, Phòng Di sản văn hóa cho biết cũng có một số công trình có nguyên nhân khác, chủ yếu là do chính đơn vị quản lý công trình không làm hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, như chợ Bến Thành, Bưu điện TP, trụ sở UBND quận 1... mặc dù các công trình này nằm trong kiểm kê về di tích.

Ông Phạm Thành Nam, Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM), cho biết việc xếp hạng hay không xếp hạng cũng có ảnh hưởng đến “tương lai” của công trình. Do đó cơ quan chủ quản của các công trình này cũng muốn đánh giá xem nhu cầu thay đổi, phát triển công trình như thế nào, nên bảo tồn hay phải thay đổi... rồi mới quyết định đề nghị xếp hạng. Ví dụ như chợ Bến Thành có giá trị cao về kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa nhưng nếu giữ nguyên hiện trạng một trệt như xưa nay được lợi ích gì khi bảo tồn? Nếu xây thành cao ốc để khai thác tối đa vị trí đắc địa thì sẽ được những lợi ích gì? Đó là một bài tính rất phức tạp.

Cái ăn hằng ngày giết chết bảo tồn phố cổ

Ông Nam cũng cho biết chính vì sự cân nhắc giữa bảo tồn hay thay đổi mà có khá nhiều di sản không thể đáp ứng được việc bảo tồn. Nhiều người đặt vấn đề sao không bảo tồn phố Hải Thượng Lãn Ông (nghề thuốc, bán thuốc) hay phố Triệu Quang Phục (nghề làm lân - sư - rồng, bán lân - sư - rồng) như kiểu bảo tồn phố cổ Hội An. Hoặc là bảo tồn lối sinh hoạt “trên bến dưới thuyền” ở bến Bình Đông xưa (nay là đường Võ Văn Kiệt, quận 6), một bên là bến tàu thuyền cập vào lên hàng - xuống hàng, một bên là các kho, các chành xe... Nói thì nghe dễ nhưng làm được thì rất khó. Việc bảo tồn một khu phố, một con đường, một làng nghề... không chỉ là di sản vật thể như cái nhà, con đường, cái cầu... mà còn phải bảo tồn cả di sản phi vật thể như ngành nghề truyền thống, sinh hoạt truyền thống... thì mới đạt được giá trị bảo tồn. Ví dụ ở Hội An, khu phố cổ này có thể bảo tồn được cũng nhờ vào việc giữ gìn các nghề truyền thống, các hoạt động truyền thống tại khu phố đó. Hội An nằm trong một loạt điểm đến du lịch nên cũng đủ hấp dẫn để thu hút du lịch và người dân có thể sống được nhờ vào du lịch, vào nghề truyền thống nên mới có thể bảo tồn được.

Trong khi ở TP.HCM, những con phố ở quận 5 không còn lại bao nhiêu cái nhà cổ mà đã lố nhố nhà xây mới, nhìn tổng quan kiến trúc con phố đã không còn giữ nguyên cái hồn cổ nữa. Thậm chí người dân cũng đã bỏ nghề hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh từ lâu. Ở đường Võ Văn Kiệt thì cũng không còn bến, chỉ còn kho. Khi đã không còn bến thì để kho làm gì? Trong khi đường thì vừa được mở rộng thênh thang, giá trị nhà đất tăng lên, ai mà muốn giữ cái kho to oành ở đấy! Liệu họ có chịu đánh đổi giá trị kinh tế của mặt bằng để được xem là di tích, di sản, chỉ làm nhà kho chứa hàng mãi hay không? Nếu công nhận khu phố cổ, hoạt động “trên bến dưới thuyền” truyền thống thì việc bảo tồn nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến người dân, đó là điều phải đánh giá, cân nhắc. Đặc biệt, dù đánh giá, cân nhắc như thế nào đi nữa thì quyền quyết định thuộc về chủ công trình, cơ quan quản lý công trình có đồng ý đề nghị xếp hạng hay không, chuyên gia này chia sẻ.

Chợ Bến Thành và Bưu điện TP - hai công trình kiến trúc có giá trị biểu tượng trong lòng người dân Sài Gòn nhưng chưa có quyết định xếp hạng di tích. Ảnh: HTD

Đa dạng di sản

Phòng Di sản văn hóa cho biết di tích phản ánh được nhiều giá trị, trong đó có về lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa, tín ngưỡng. Thời gian dài vừa qua TP tập trung kiểm kê các công trình có tuổi đời cao xây dựng, hình thành vào thế kỷ 18, 19, đầu thế kỷ 20, sau đó đã xếp hạng rất nhiều công trình. Giai đoạn đến năm 2020 sẽ tập trung kiểm kê các công trình xây dựng nửa sau thế kỷ 20, nhiều công trình phản ánh được giá trị về kiến trúc, mỹ thuật thời điểm đó.

Ngoài ra cho đến nay thì TP đã xếp hạng nhiều công trình về tín ngưỡng nhưng tập trung ở đạo Phật Bắc Tông. Giai đoạn 2015-2020 TP sẽ tiếp tục kiểm kê các di tích tín ngưỡng đạo Phật Nam Tông, đạo Hindu, đạo Hồi... Dự kiến có chùa Bà Ấn giáo Mariammam trên đường Trương Định, chùa Ông Subramaniam Swamy (Ấn giáo) đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chùa theo phái Nam tông Chantaransay... phản ánh đầy đủ hơn đời sống tín ngưỡng của người dân trong suốt quá trình hình thành, phát triển của TP.HCM.

Trong số các công trình được kiểm kê có chùa Vĩnh Nghiêm (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa).

Theo quyển Hành trình di sản văn hóa, nhiều đình và chùa cổ ở TP.HCM có kiểu kết cấu tứ trụ với bốn cột chính, từ đó các xà, vì kèo, kết cấu với bốn cột và các đòn tay tạo ra các mái ở xung quanh. Trang trí trên bờ nóc của đình, chùa thường gặp cặp rồng chầu, hay còn gọi là lưỡng long chầu. Khi thì là lưỡng long chầu nhật (cặp rồng chầu với mặt trời), lưỡng long chầu nguyệt (cặp rồng chầu với mặt trăng), có khi là lưỡng long tranh châu (ở giữa cặp rồng là hình quả châu).

Trong khi đó, chùa Vĩnh Nghiêm được khởi công xây dựng năm 1964 và hoàn thành năm 1971 với kiểu kiến trúc chùa miền Bắc nhưng vật liệu xây dựng và nhiều chi tiết hiện đại. Thay vì cột, vì kèo bằng gỗ thì cột, rui mè, đỡ mái ngói đều bằng bê tông cốt sắt. Chính giữa nóc có bánh xe Pháp luân và các góc có hình đầu phượng.

Theo các chuyên gia về bảo tồn di sản, mỗi thời kỳ có một thị hiếu về kiến trúc, thẩm mỹ khác nhau. Vì vậy việc rà soát, khảo sát, đánh giá các công trình đã xây dựng ở đủ các giai đoạn sẽ phản ánh chính xác hơn quá trình phát triển của Sài Gòn. Lâu nay ta tập trung vào các công trình “cổ”, tuổi đời khoảng 100 năm và vô cùng tiếc khi có những công trình xuống cấp, khó phục dựng, rất tốn kém. Đã đến lúc xếp hạng thêm những công trình 50-60 tuổi đời để bảo tồn đúng cách, nếu không thì chỉ vài ba chục năm nữa ta lại vô cùng tiếc...

Sắp xếp hạng di tích với trụ sở UBND TP

Trụ sở UBND TP.HCM (86 Lê Thánh Tôn) sắp được xếp hạng di tích.

Công trình này được xây dựng từ năm 1898 đến 1909, do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp, mang tên Hôtel de ville.

Công trình được thiết kế theo dạng lầu chuông đúc cao. Giữa mặt tiền có trang trí đắp nổi hình ảnh một người phụ nữ mạnh khỏe cùng một hình đứa trẻ đang chế ngự thú dữ. Các chi tiết như tháp chuông, cột, tràng hoa, huy hiệu... có độ tinh xảo cao.

Đặc biệt ở công trình này là trang trí nội thất cầu kỳ, đa dạng kết hợp giữa kiến trúc, điêu khắc và hội họa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm